Lý tưởng và lãng mạn

Nov 26, 2020 14:32


Coi xong có thể kết luận: Hanzawa Naoki phần 2 hay hơn phần 1 ~NHIỀU~

Bởi hai lý do:

Một là, phim nói những chuyện lớn lao, nhưng cách thể hiện không thấy sáo rỗng. Hoặc là, nhà làm phim ngay từ ban đầu đã hướng tới một bộ phim lý tưởng hóa, xây dựng một hình tượng lý tưởng hóa trong giới tài chính, giới công sở, và nói rộng ra toàn xã hội. Ai chẳng biết lòng người tham lam và vị kỷ, ai chẳng biết chốn công sở nhiều rối ren dơ bẩn, ai chẳng biết xã hội này còn chưa tốt đẹp như chúng ta hằng mong muốn, khi cái ác vẫn ngang nhiên ngự trị, và những kẻ khả ố vẫn yên ổn nắm quyền. Nhưng điều đó không thể ngăn chúng ta mơ ước, mơ ước gặp được một con người hoàn thiện - một đồng nghiệp hay một cấp trên giỏi giang, chính trực, tử tế; mơ ước được ở trong một môi trường công sở trong sạch và lạc quan; mơ ước về một xã hội công bằng.

Xã hội chưa bao giờ công bằng. Và sống thẳng trở thành một lý tưởng. Lý tưởng được nói những lời thật lòng, làm những điều đúng đắn. "Điều đúng đắn" là những điều thật đơn giản, chúng ta ai cũng được dạy từ tấm bé: biết ơn trả ơn, làm sai xin lỗi, thiếu nợ trả tiền... Nhưng tại sao, khi càng lớn lên, những điều đúng đắn hiển nhiên đó càng mang màu sắc lý thuyết suông, chỉ hiu quạnh nằm lại trên sách vở, rồi khi có ai đó dũng cảm nói to chúng ra, những người khác lại thấy nực cười? Trong khi lăn lộn giữa cuộc đời cát bụi, người ta lấm lem bùn đất, quen nhìn nhau cũng lấm lem bùn đất, nên khi thấy một kẻ vẫn còn sạch bong, ngoan cường không để nước bẩn vấy thân, ta thấy lạ lẫm, thấy lạc bầy, thấy chói mắt. Nhưng đồng thời với lạ lẫm, lạc bầy, chói mắt, ta cũng ngưỡng mộ, ao ước, tự ti.




Mình không tôn sùng chủ nghĩa lý tưởng, mình tin rằng trên đời có hai mặt, tốt luôn kèm với xấu, sáng luôn kèm với tối, thiếu một trong hai đều không được. Nhưng vì hiện thực đã đủ tối tăm, nên phim vẽ ra một thế giới lý tưởng để người ta ngưỡng vọng và hướng tới, là một lẽ thường tình. Thế giới lý tưởng trong phim không phải là tòa lâu đài trên mây, mà nó có vững vàng nền mống, chắc nịch cơ sở và đủ đầy luận cứ. Nề mống, cơ sở, luận cứ của nó đều xuất phát từ hiện thực, nên nó thực, nhưng đồng thời, nó lại "mộng", bởi trong cái "hiện thực song sinh" với hiện thực của chúng ta, chúng ta được thỏa thích ăn ngay nói thật, làm đúng đi thẳng, chúng ta được thoải mái sống thuần túy với lòng, như những ngày thơ ấu, không đắn đo ích lợi, chẳng e ngại áo cơm, để nhớ ra, à thì, chúng ta cũng có "mộng tưởng" đẹp như vậy đó. Hoặc giả, bộ phim là nơi cho phép chúng ta thực hiện hai chữ "nếu như", cho phép chúng ta có một lựa chọn khác. Trong đời thực, có lẽ một lúc nào đó, ở một hoàn cảnh nào đó, chúng ta không thể, hay không dám chọn "điều đúng đắn" mà chỉ phải chọn "điều thích hợp", thì bây giờ, ta có cơ hội xem người khác thay chúng ta chọn lại, để nhìn xem, cuối con đường mình sẽ có cái gì?

Vì vậy, mình thấy bộ phim thật lãng mạn. Nó không có phong hoa tuyết nguyệt, nhưng không vì thế mà nó không lấp lánh. Sự lãng mạn tột cùng là sự lãng mạn được dựng lên từ hiện thực. Không lãng mạn sao, khi ta được làm việc mình thích; không lãng mạn sao, khi ta băng sóng lướt gió thực hiện ước mơ; không lãng mạn sao, khi tiến, ta có bạn bè giúp sức, lùi, ta có gia đình ủng hộ; không lãng mạn sao, khi ta không ngừng đốt lửa nhiệt huyết cho mọi người; không lãng mạn sao, khi ta chưa bao giờ mất đi trái tim vô vụ lợi và ngông cuồng thời niên thiếu? Mà tất cả những điều đó là thành quả của việc kiên trì sống đúng với bản thân mình.

Cho nên, để miêu tả bộ phim, mình sẽ dùng hai từ "lý tưởng" và "lãng mạn". Nó sẽ khiến người xem sôi trào quyết tâm, hồi hộp với từng bước tiến của nhân vật, hả hê trong cảm giác thành tựu, và cảm động bởi tình cảm chân thành. Ở đó, ta sẽ phát hiện, giữa đối tác cũng có tình cộng sự - tin nhau từ đáy lòng mới có thể cùng vượt chông gai; giữa cấp trên cấp dưới cũng có nghĩa tri âm - sẻ chia và kế thừa tín ngưỡng; giữa kẻ thù không đội chung trời cũng có lòng tương kính - đủ sức dẹp bỏ thù hằn để hợp tác, và thậm chí hy sinh.



Lý do thứ hai, phần hai đã giải đáp và hoàn thiện những điểm còn thiếu sót của phần một. Nhớ khi phần một kết thúc mình cũng viết một bài khá dài (chê nhiều hơn khen XD), đặc biệt là mấy tập cuối phần một, vì mình cảm thấy lý do gây án của phản diện chính chưa đủ nặng so với tầm nghiêm trọng của vụ việc, cho nên những lập luận của Hanzawa ở tập cuối có vẻ sai trọng tâm. Thêm nữa, với mối thù nhà oằn nặng và cảm xúc cá nhân chi phối, vị thế của nam chính vào thời điểm đó cũng không đủ khách quan, không đủ công chính, không đủ thuyết phục. Những lời mà anh nói khi ấy là đúng đắn, nhưng thời cơ chưa chín mùi, nên có chút đức không xứng vị. Và chắc cũng vì thế, nên mình khá đồng tình với cái kết cuối phần một.

Và hôm nay, kết hợp với câu trả lời của phần hai, thì cái kết đó càng hợp lý và đắt giá (các lý do thì hầu hết vào 7 năm trước mình cũng đoán trúng luôn ^^v). Hanzawa chịu trừng phạt vì anh phạm sai lầm. Trong một phút, anh bị thù riêng che mắt và đã quên đi hoài bão của mình. Anh cần thời gian để tĩnh tâm và quan sát. Mà bây giờ, anh trở lại với một tâm thế mới, mạnh mẽ và tỉnh táo hơn, thực sự đứng trên quan điểm của một nhân viên ngân hàng đích thực - luôn lấy khách hàng làm đầu. Nhân vật lúc này mới tỏa sáng trong một hào quang quyết liệt và vô tư, đủ vững vàng để đương đầu với phong ba bão táp, đủ sáng suốt khi đứng trước những ngã rẽ, đủ kiên định để thẳng tiến với niềm tin của mình. Ấy mới là những phẩm chất cần có của người lãnh đạo.

Phim còn hoàn thiện vì sự biến chuyển của những nhân vật khác. Họ có thể không biến chuyển cũng đã rất đặc sắc rồi, nhưng cái hay ở đây là những thay đổi đó diễn ra thật khéo léo, chẳng những không phá vỡ, mà còn bổ sung cho tính cách nhân vật. Owada vẫn là Owada (đến gần cuối vẫn chưa quên mối thù bị bắt quỳ xin lỗi =]]]]]), vẫn không từ thủ đoạn để đạt mục đích, chẳng qua mục đích của ông ta không còn là chống đối, mà là bảo vệ Chủ tịch. Kurosaki vẫn là Kurosaki, vẫn đanh đá và ghét Hanzawa cũng như ngân hàng vô cùng, nhưng luôn đặt chức trách của mình lên hết thảy, thậm chí sẵn sàng giúp đỡ những kẻ mình chán ghét, chỉ cần đạt mục tiêu. Chủ tịch vẫn là Chủ tịch, vẫn mềm mỏng mà cương quyết, bình tĩnh mà thâm trầm, cùng với khả năng nhìn người và dùng người độc đáo.



Ngoài ra, mình thích cách phim khống chế những nhân vật mới. Vụ việc ban đầu luôn ập đến bất ngờ và dồn dập, nhưng được tháo gỡ từng lớp rất bài bản và gãy gọn. Mình cũng thích cách tình tiết biến hóa, tưởng thù nhưng lại là bạn, tưởng bạn nhưng lại là thù. Từ sự kiện mở màn, trong quá trình bóc tách, luôn nảy sinh vấn đề mới, kẻ địch mới, tạo cho khán giả cảm giác liên hoàn, bí ẩn và hưng phấn, xem rất hấp dẫn.

Đương nhiên, phim cũng có khuyết điểm, cụ thể là nhân vật Isayama (hoàn toàn fail -.-), và một số tình tiết nhỏ hơi bị màu mè. Thêm nữa, nếu lúc đầu để Shirai nghiêm túc hơn chút thì nhân vật này sẽ thống nhất và hay hơn.

Mất 7 năm để chờ phần hai, nhưng 7 năm này là xứng đáng. Phải cám ơn ông Sakai đã cho Hanzawa trở lại với đời, để lấp đầy những khoảng trống mà phần một còn bỏ ngỏ, và đem lại cho khán giả những khoảnh khắc đắm mình trong mộng tưởng, rạo rực với niềm tin về một xã hội tốt đẹp, và say sưa với cái tình giữa các nhân vật.

Kết ở đây cũng là quá ổn, hoàn hảo. Nhưng mình vẫn tiếc hùi hụi mấy cuốn sau của tiểu thuyết, bởi bác tác giả luôn đặt vấn đề quá xuất sắc, ngòi bút sắc bén, mạnh dạn đề cập những vấn đề kinh tế tài chính nóng hổi, hiện thực, đánh sâu vào lòng người. Đọc tiểu thuyết thì hơi khô khan, lên phim dễ thấm hơn, nên về cảm tính mình còn muốn xem dài dài phần 3, phần 4 >__<.

drama: hannao, dramas 2020, !review

Previous post Next post
Up