Aug 24, 2009 15:01
Chủ Nhật, 02/08/2009, 09:40
Tiền Phong Online
TP - Trên thế giới bắt đầu xuất hiện những nhà ngoại giao hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ một chính phủ hay định chế quốc tế nào. Họ sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ về quan hệ ngoại giao với mức phí thấp, nhưng đạt kết quả bất ngờ.
Independent Diplomat (ID) có trụ sở chính tại Mỹ có lẽ là tổ chức phi lợi nhuận duy nhất hiện nay trên thế giới chuyên cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, ngăn chặn xung đột; hỗ trợ các chính quyền lèo lái bộ máy hành chính phức tạp; tư vấn cho các định chế quốc tế trong việc giúp đỡ một quốc gia... ID là tập hợp của các nhà cựu ngoại giao, luật sư quốc tế và chuyên gia quan hệ quốc tế danh tiếng đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
ID bắt đầu nổi danh khi góp phần giúp tỉnh Kosovo thuộc Serbia giành được sự công nhận độc lập từ nhiều nước trên thế giới. “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ lớn từ họ (ID) vào thời điểm chúng tôi cần nhất”, đại diện Kosovo tại Liên minh châu Âu (EU), phát biểu với hãng tin AP.
Tuy nhiên, ID cũng đối mặt với làn sóng chỉ trích rằng các nhà ngoại giao hoạt động tự do không nên gia tăng ảnh hưởng.
“Chính phủ hoặc các quan chức quốc tế thường từ chối trao đổi với khách hàng của chúng tôi hoặc nếu có nói chuyện họ cũng không muốn cung cấp những thông tin cần thiết”, Nicholas Whyte, Giám đốc Văn phòng ID tại Brussels (Bỉ), giải thích với báo chí.
Cựu chuyên gia quốc tế người Ai-len (Ireland) này cũng cho biết thêm: “Về phía khách hàng của chúng tôi, họ thường thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và không có ai chịu trao đổi với họ”.
Với văn phòng tại New York, Washington (Mỹ), London (Anh), Brussels (Bỉ) và Addis Ababa (Ethiopia), tổ chức độc lập này cung cấp cho khách hàng trên toàn thế giới phương cách để tiếp cận với chính phủ nước ngoài hoặc các định chế quốc tế như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu.
ID cũng tư vấn cho các quốc gia trên những vấn đề mà họ thiếu chuyên môn. Cộng hoà Quần đảo Marshall được ID tư vấn để tham gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu của UN. Trong khi đó, một số nước Đông Âu cần tới sự giúp đỡ của các nhà cựu ngoại giao, chuyên gia luật quốc tế của ID để tiến trình gia nhập EU trôi chảy hơn.
Cựu quan chức ngoại giao Anh Carne Ross, người sáng lập và hiện là Giám đốc ID, khẳng định tổ chức này tuân thủ chính sách nghiêm khắc trong việc từ chối những khách hàng có liên quan tới xung đột quân sự như Hamas ở dải Gaza (Palestine), Những con hổ Tamil ở Sri Lanka.
Tổ chức các nhà ngoại giao độc lập khẳng định họ có thế mạnh nổi bật trong vai trò trung gian, bao gồm việc tổ chức cuộc gặp gần đây giữa các quan chức EU và Tổng thống của chính phủ lưu vong thuộc Tây Sahara.
Vùng đất này thuộc về Morocco cách đây 35 năm, nhưng chính phủ lưu vong của Tây Sahara đang đòi độc lập. Những vùng lãnh thổ khác như Bắc Cyprus, Somaliland cũng nhờ tới sự giúp đỡ của ID. Những quốc gia độc lập có liên quan tới vùng lãnh thổ còn tranh chấp kể trên không hài lòng với sự tham gia của ID.
Phát biểu với AP, Robert Cooper, Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu ở Brussel, cho rằng đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO), đạt được bất kỳ thành công nào trên các vấn đề quốc tế thường rất khó khăn.
“Một số NGO hoạt động hiệu quả và được tôn trọng, nhưng cuối cùng chẳng được gì cả”, ông Cooper nói.
Richard Dalton, cựu Đại sứ Anh tại Iran, lại nói rằng các hoạt động kể trên là nỗ lực của cá nhân, những người có thể tạo nên sự khác biệt. “Các quy tắc và triết lý của họ có thể phủ lấp lỗ hổng cho các nước, phong trào, nơi người ta chưa thể tiếp cận được với hệ thống quốc tế”, cựu Đại sứ Dalton phát biểu với AP.