LỆNH Ý HOÀNG QUÝ PHI: Xét theo những gì tôi đọc được, Lệnh Ý HQP tuy xuất thân cung nữ lại là người Hán nhưng gia đình có gia thế nên chắc là cung nữ cấp cao được theo hầu Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu và được Càn Long ưng ý mà trở thành phi tần. Trong vòng 4 năm, bà từ Lệnh Quý nhân lên thành Lệnh phi. Nhưng 11 năm sau mới lần đầu tiên sinh dục, kể từ đó liên tục sinh ra hoàng tự. Cụ thể là từ năm 1755 ~ năm 1766, bà mang thai cả thảy bảy lần sinh ra 4 hoàng tử và 2 hoàng nữ. Tôi cũng thấy bà thật sự rất dụng công dụng tâm, vua bảo đi đâu là bụng bầu bao nhiêu tháng cũng chạy theo đến đấy. Hình tượng trong lòng tôi về Lệnh Ý HQP có lẽ chính là Lệnh Phi trong HCCC, một người phụ nữ xinh đẹp thướt tha, mang dáng vẻ ôn nhu hiền thục, rất giỏi đọc nét mặt vua mà hành xử. Chính vì vậy, chắc chỉ có bà mới chịu đựng được một vị Càn Long đế trái gió trở trời khó ở tuổi mãn kinh (bà làm phi tần của khi Càn Long 38 tuổi và chết khi ổng 68 tuổi). Nếu để so sánh, tôi phỏng đoán bà phần nào giống phiên bản Hậu cung của Hòa Thân vương. Trong lịch sử, bà chính là người chiến thắng, chân chính thành mẹ ruột của Gia Khánh đế.
KẾ HOÀNG HẬU - Ô Nạp Na Lạp thị
Một nhân vật bi thảm, nhưng từ những gì tôi đọc được về bà, ba là người có 3 cái độc đắc mà hậu cung Càn Long mà không, có lẽ là hậu cung Mãn Thanh không ai có được. Kế Hoàng hậu xuất thân từ dòng dõi Na Lạp có lịch sử hiển hách, nhưng xét ra thì cũng không phải là vinh quý tột bậc. Không rõ bà trở thành Trắc Phúc tấn của Càn Long vào lúc nào, nhưng nếu suy đoán dựa theo tư liệu về Bát Kỳ tuyển tú thì có khả năng cao là bà đã nhập Bảo thân vương phủ vào kỳ tuyển tú năm Ung chính thứ 8 (1730 - khi mới 12 tuổi) hoặc Ung Chính thứ 11 (1733 - khi mới 15 tuổi). Bảo Thân vương lên ngôi, bà trở thành Nhàn Phi (tôi đã thử lội một số trang Trung Quốc và check thử text trong phim thì có vẻ như chữ Nhàn trong phong hiệu của bà chính là chữ 娴, có bộ NỮ 女kèm với bộ NHÀN 閑 (ý chỉ người con gái điềm nhiên nhàn nhã). Càn Long là một người ưa thi ca, sơ phong cho phi tần chắc hẳn cũng để nhiều dụng tâm. Thân phận của bà không cao không thấp, đợi đại phong hậu cung năm Càn Long thứ 10 mới thành quý phi, rồi lên ngôi Hoàng hậu làm phi tần của Càn Long ngót 20 năm mới lần đầu sinh dục. Phong hiệu của Nhàn phi và những ghi chép về bà tạo cho tôi ấn tượng đây là một nữ tử như nước, nhan sắc bậc trung, giáo dục tốt, có cốt cách, sống ung dung tự tại không tranh không phụng. Càn Long đối với bà chẳng nóng chẳng lạnh. Nhưng có lẽ vào những lúc ông mệt mỏi nhất với việc triều chính, không muốn nghe xiểm nịnh đoạt tranh, hoa mắt trước muôn bông nghìn tía. Ông sẽ tìm đến nơi của bà như một chốn tĩnh tại, an nhàn cho tâm hồn mình.
Khi Phú Sát hoàng hậu qua đời vào năm Càn Long thứ 13, ba tháng sau đó, Càn Long chính thức ra chỉ dụ phong Nhàn Quý phi thành Hoàng quý phi, gọi là Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự (皇贵妃摄六宫事), có lễ sắc phong riêng, chiếu cáo toàn thiên hạ, báo lên thái miếu. Tuyên bố đợi khi mãn tang 3 năm sẽ chính thức phong Hoàng hậu. Gia đình cũng được thăng tiến vô cùng. Thực ra, xét phi tần có thể trở thành Hoàng hậu khi đó, Nhàn quý phi là sự lựa chọn hợp lý nhất. Nhưng nếu chỉ là phong hậu bình thường thì có thể đợi mãn tang 3 năm rồi phong hậu, Càn Long đã dụng tâm lập ra một vị trí chưa từng có để dành riêng cho bà, để bố cáo toàn thiên hạ rằng bà là Hoàng hậu của ông, chỉ thiếu chữ Hoàng hậu chân chính. Dụng tâm như vậy với một phi tần chưa từng được coi là vinh sủng, cũng chẳng có hoàng tự. Tâm ý của hoàng đế, thực sự là khó đoán định. Đó chính là cái độc đắc đầu tiên nơi bà.
Kể từ đó cho đến vụ việc “thất sủng một đêm” năm Càn Long thứ 30, bà xuân phong đắc ý, được hoàng đế sủng ái, sinh cho Càn Long ba người con. Từ sau vụ việc đó đến khi chết, bà bị cấm túc ở Dực Khôn cung nhưng không hề bị phế truất ngôi Hoàng hậu. Tôi trộm nghĩ, Càn Long đã những tưởng đây chỉ là Đế Hậu giận nhau thôi, suốt 1 năm đó có lẽ cái Càn Long đợi ở bà chỉ là một câu xin lỗi. Còn nguyên do điều này theo một số bạn có tâm trong page Thiên nam lịch đại hậu phi(?) dịch lại và đưa lên wiki như sau.
Năm Càn Long thứ 30, tức ngay năm xảy ra chuyện, vào ngày
20 tháng 6, khoảng gần 4 tháng sau khi Na Lạp hoàng hậu bị giam lỏng, Càn Long Đế đã bí mật gửi một bức thư đến
Nạp Tô Khảng, cháu trai gọi Na Lạp hoàng hậu là cô mẫu, trong khi bức thư được phát ra là từ ngày
3 tháng 3, gần 1 tuần sau sự kiện Na Lạp hoàng hậu.
Nội dung bức thư viết, theo Hán ngữ đã được dịch (do bức thư gốc là theo chữ Mãn):
“
前近,朕恭侍皇太后驾临杭州,正欲返回,于启程前之日,皇后忽然想要出家,肆行翦发。身为皇后,所行如此,着实不像话。
...
Khi trước, Trẫm cung phụng Hoàng thái hậu giá lâm Hàng Châu, đang muốn trở về, thì ngày hôm trước Hoàng hậu bỗng muốn xuất gia, tùy tiện Tiễn phát. Thân là Hoàng hậu, lại làm chuyện như vậy, thật không thể thống gì cả.
Khoảng 12 năm sau, năm Càn Long thứ 43 (
1778), lại có người dâng thư thỉnh Hoàng đế cử hành hậu sự cho Na Lạp Hoàng hậu, việc này khiến Càn Long Đế bắt buộc phải ra chiếu dụ giải thích:
“
Sự thất sủng đột ngột của Hoàng hậu Na Lạp thị luôn là bí ẩn lớn. Nhiều quan viên bị khiển trách vì muốn khôi phục lễ tiết cho bà.
孝贤皇后崩逝时,因那拉氏本系朕青宫时皇考所赐之侧室福晋,位次相当,遂奏闻圣母皇太后,册为皇贵妃、摄六宫事。又越三年,乃册立为后。其后自获过愆,朕仍优容如故。乃至自行翦发,则国俗所最忌者,而彼竟悍然不顾。然朕犹曲予包含,不行废斥。后因病薨逝,只令减其仪文,并未降明旨削其位号。朕处此事,实为仁至义尽。且其立也,循序而进,并非以爱选色升。及其后自蹈非理,更非因色衰爱弛
...
Từ khi Hiếu Hiền hoàng hậu qua đời đến nay, nhân Na Lạp thị là từ khi Trẫm ở Thanh Cung được Hoàng khảo ban làm Trắc phúc tấn, vị thứ đương cao, bèn tấu lên Thánh mẫu Hoàng thái hậu, sách lập làm Hoàng quý phi nhiếp lục cung sự. Sau 3 năm sách lập làm Hoàng hậu. Về sau tự mắc lỗi lầm, trẫm vẫn rộng rãi như cũ. Nhưng rồi tự đoạn cắt tóc, tức trái quốc tục cấm kị nhất, mà tự thế ngang nhiên không màng đến. Trẫm chỉ răn dạy, vì còn nghĩ ơn xưa, không thể phế truất. Sau Hậu bạo băng, trẫm chỉ giảm nghi văn an táng, vẫn chưa lột bỏ danh hào. Huống hồ về sau không lập Hoàng hậu, xử lý việc này trẫm thật là đã tận tình tận nghĩa.
Tôi nghĩ chỉ là Càn Long về già hư thói, Hoàng hậu khuyên răn không được, tâm ý nguội lạnh mà cắt tóc đoạn tuyệt. Bà sinh ra con cháu thế gia, lại làm vợ vua hơn 30 năm, nghi lễ cung đình bà hiểu hơn ai hết mà lại phạm đúng điều cấm kị nhất, tự thế ngang nhiên không màng. Vị Hoàng hậu chết đi không có thụy hiệu DUY NHẤT trong lịch sử triều Thanh. Điều độc thứ hai của bà cũng là ở đó. Càn Long còn ba máu sáu cơn mà đem tranh họa, thi thơ, và nhiều thứ khác về bà đem đi thiêu hủy hết, đem giảm nghi văn an táng đưa quan tài chôn cùng lăng tẩm với Thuần quý phi. Bao quan viên với sứ thần Triều Tiên xin thay cho bà đều bị khiển trách, biếm quan đến tận 12 năm sau khi bà mất vẫn không đổi. Đứa con trai duy nhất còn lại giữa hai người là Thập nhị hoàng tử Vĩnh Cơ cũng vì thế mà bị thất sủng. Gia đình ngoại tộc cũng bị mất phong hào mà xuống dốc. Tôi nói chớ Càn Long trong chuyện này hành xử không khác gì mấy cặp đôi hiện tại yêu nhau mà chia tay đâu. Nổi khùng lên xóa hết ảnh ọt, tin nhắn, số điện thoại, block facebook, thậm chí (như tôi từng chứng kiến truyện thật là đốt hết nhật ký, thư từ, thiệp), vứt hết quà cáp đồ đôi, thậm chí còn hạn chế giao tiếp với bạn bè chung và đi đường vòng tránh không qua nhà người cũ, blah blah. Đó là điểm độc đắc thứ ba nơi bà và cũng là điểm độc nhất, vị phi tần duy nhất có bản lĩnh ruồng rẫy Càn Long. Trong lịch sử bà là người thua cuộc, nhưng với tôi bà chính là người chiến thắng.
Chính vì vậy, tôi rất phục Lưu Liễm Tử khi viết Hậu cung Như Ý truyện. Trong viết văn, mà nhất là dã sử, sáng tạo ra một nhân vật hoàn toàn mới hay câu chuyện mới dựa trên cái nền lịch sử lỏng lẻo không phải điều quá khó. Cái khó nhất là biết len lỏi vào những góc khuất của lịch sử, biến những điểm khuất thành câu chuyện thuyết phục, biến những nhân vật chỉ là cái tên trong lịch sử thành nhân vật thực có ái ố hỉ nộ mà vẫn tuân theo đúng thứ tự và tiến trình của lịch sử. Chưa kể, Lưu Liễm Tử lại dám chọn nhân vật chỉnh của mình là kẻ định sẵn sẽ thua, định sẵn làm “kép phụ”. Cũng chấp nhận chịu bị ném đá hay dè bỉu bóp méo nhiều hình tượng đẹp đẽ trong lịch sử. Đây âu cũng là cái bản lĩnh của tác giả vậy. Nhưng tôi lại cảm ơn tác giả vì đã viết ra bộ truyện này, cảm ơn Châu Tấn đã chọn bộ phim này (tôi hiểu tại sao bà già dẩm dơ đó lại chọn vai Như Ý) để tôi được biết rõ hơn về Kế Hoàng hậu, và có một cái nhìn khác về con người bà.
Xét cho cùng, lịch sử cũng chỉ là những thứ được ghi lại bằng con chữ hay truyền miệng, một lời nói ngoài đường còn có thể thành tam sao thất bản. Thế nào mới là vinh nhục, tốt xấu vẫn chỉ có bản thân những con người đó biết mà thôi. Nhưng nói gì thì nói phi tần Càn tổng hầu như ban đầu đều "tịt" sau vài năm thậm chí như Kế hoàng hậu là gần 20 năm mới đẻ con, hoàng tự lại chết yểu nhiều hơn so với những đời trước như Khang Hi hay Ung Chính. Bảo hậu cung bình lặng, khè nhau bằng mắt, thiên hạ thích làm phim cung đấu về thời này cũng không có gì là lạ. {C}{C}{C}=))
Tham khảo: page Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Văn hóa cung đình Mãn Thanh, Chém gió Hậu cung, wiki
Ảnh: wiki, page Mạn đàm hoa mai
- Đỗ Nguyên -
#Nhân_vật_lịch_sử #Càn_Long #Lệnh_Ý_Hoàng_Quý_Phi #Kế_Hoàng_Hậu #Lưu_Liễm_Tử #Hậu_cung_Như_Ý_truyện {C}{C}{C}