Jul 04, 2008 00:25
"Chảy máu" ngoại tệ vì nhập hàng xa xỉ
01/07/2008 11:26 (GMT+7)
Xu hướng tiêu dùng của nhiều người Việt đã chuyển biến nhanh chóng theo hướng xa xỉ và tiêu nhiều hơn có. Gánh nặng nhập khẩu hàng xa xỉ đang gia tăng, tạo áp lực lên nhu cầu USD để nhập khẩu, góp phần tạo ra nhập siêu. • Năm 2008: Chỉ tính riêng mặt hàng điện thoại di động nhập khẩu có thể lên tới 1,2-1,3 tỉ USD.
Sau quá trình VN hội nhập kinh tế thị trường, đặc biệt giai đoạn VN gia nhập WTO, xu hướng tiêu dùng của nhiều người Việt đã chuyển biến nhanh chóng. Bên cạnh xu hướng tích cực theo dạng kích cầu và tiêu dùng thông minh, điều đáng lo ngại là lối tiêu dùng xa xỉ và tiêu nhiều hơn có.
Tại đánh giá tác động sau hơn 1 năm gia nhập WTO, Chính phủ đã cho rằng VN đang theo xu hướng tiêu dùng nhiều hơn. Nhưng lo ngại hơn thế là xu hướng tiêu dùng sính ngoại. Các chuyên gia cảnh báo: Sẽ là đặc biệt nguy hiểm khi tiền chảy ra nước ngoài vì tiêu dùng xa xỉ...
Ngoại tệ chảy ngược
Thực tế, xu hướng tiêu dùng sính ngoại từ lâu đã hình thành tại VN. Xu hướng tiêu dùng này đã thống trị một thời gian khá dài cho đến tận khi kinh tế VN mở cửa, hàng hoá của VN được sản xuất ngày càng phong phú, đa dạng và giá rẻ. Tuy nhiên trong nhiều năm ròng, cuộc cạnh tranh "hàng nội - hàng ngoại" vẫn giằng co và nhiều khi phần thắng nghiêng về hàng ngoại.
Một chuyên gia thuộc Bộ Công Thương phân tích: Dù kinh tế hàng hoá VN trỗi dậy với khẩu hiệu "Người VN dùng hàng VN", thế nhưng chưa thể gọi sự trỗi dậy này đã đi đến thành công.
Ngay sau giai đoạn này, xu hướng tiêu dùng VN tiến thêm một bước là tiêu dùng nhiều hơn và tiêu dùng hàng ngoại xa xỉ. Có thể liệt kê ra đây hàng loạt mặt hàng đã định hình xu hướng trên như ôtô, thiết bị điện tử xách tay, trong đó đặc biệt có nhóm hàng xa xỉ là mỹ phẩm và điện thoại di động (ĐTDĐ)...
Theo tính toán của Bộ Công Thương, chỉ riêng trong quý I/2008 VN đã phải chi tới gần 30 triệu USD để nhập khẩu (NK) mỹ phẩm. Nếu với tốc độ NK tăng tới gần 20%, theo tính toán thì riêng năm 2008, lượng ngoại tệ chi cho mặt hàng này đã có thể lên đến cả trăm triệu USD. Chưa hết, con số còn đáng giật mình hơn mặt hàng ĐTDĐ.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương thì trong quý I/2008, kim ngạch NK ĐTDĐ của VN đã ở mức báo động đỏ với khoảng 273 triệu USD. Với tốc độ NK như hiện nay, kim ngạch NK mặt hàng này được dự tính cho cả năm 2008 có thể lên đến 1,2 - 1,3 tỉ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay...
Chỉ với những con số trên đã cho thấy, lượng ngoại tệ từ VN chảy ra nước ngoài đã lên đến mức nào. Nếu đặt phép so sánh với thu nội địa của các tỉnh, thành thuộc câu lạc bộ 1.000 tỉ đồng/năm, với số tiền khổng lồ trên thì ít nhất nguồn thu của 15 tỉnh, thành bị xoá trắng chỉ để phục vụ cho xu hướng tiêu dùng đáng lo ngại này.
Vẫn nhiều áp lực nhập siêu
Riêng với thị trường ĐTDĐ, ông Benoit Nalin-GĐ điều hành Nokia Đông Dương-cho biết, từ cuối năm 2007 đến quý I/2008, lượng ĐTDĐ Nokia bán ra tại thị trường VN tăng gấp đôi vì nhu cầu tăng. Tới thời điểm này, tổng số thuê bao ĐTDĐ tại VN đã lên đến 48 triệu. Dự báo tổng số ĐTDĐ năm nay bán ra tại thị trường VN sẽ đạt khoảng từ 5-5,5 triệu máy, tương đương năm 2007, nhưng kim ngạch NK nếu tính ra VND bị đội lên đáng kể vì giá USD tăng từ cuối tháng 5 đến nay.
Thị trường ĐTDĐ VN tăng trưởng theo xu hướng chung của thế giới (quý I tăng 14% so với cùng kỳ 2007). Theo ông Đinh Anh Huân-GĐ điều hành Cty Thế Giới Di động (TGDĐ), nhà bán lẻ ĐTDĐ lớn nhất hiện nay tại VN: "Vai trò của Nhà nước quan trọng hơn cả. Nếu Nhà nước thấy cần hạn chế việc sử dụng các loại ĐTDĐ cao cấp, xa xỉ thì tăng thuế đối với những dòng đó".
Tình trạng một người sử dụng nhiều ĐTDĐ đã trở thành một hình ảnh không hiếm thấy, đặc biệt tại các công sở và thành phố lớn. Theo lý giải của chị Trịnh Anh Thư-trợ lý TGĐ Cty Sao Bắc Đẩu tại TPHCM, việc mua sắm ĐTDĐ nên căn cứ vào nhu cầu và thu nhập, nhưng cũng không thể dùng những dòng rẻ tiền thiếu nhiều tính năng đáp ứng cho yêu cầu sử dụng.
"Dân mình có tật xấu hay đua đòi, mà càng đua đòi thì càng lãng phí, vô hình trung góp phần vào việc nhập siêu" - chị Thư nói. Nếu xét theo nhu cầu, chưa hẳn những tiêu chí về tính năng của ĐTDĐ năm 2008 đã hoàn toàn thực sự cần thiết cho nhiều NTD, như máy chụp ảnh 3,2 Megapixel, thẻ nhớ, GPS, 3G, màn hình 16 triệu màu...
Thêm mỗi tính năng là tăng thêm mỗi chí phí, nhìn gần, đó là sự tiêu tốn thêm một cách lãng phí của NTD. Nhìn rộng hơn, gánh nặng NK sẽ gia tăng, tạo áp lực lên nhu cầu USD để nhập khẩu, góp phần tạo ra nhập siêu.
(LĐ)