Jul 04, 2008 00:25
Đầu tư nước ngoài và áp lực từ kỷ lục mới
01/07/2008 11:28 (GMT+7)
Nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong sáu tháng đầu năm đã đạt trên 23 tỉ Đô la, tương đương cả năm 2007, và xác lập một kỷ lục mới trong lịch sử thu hút FDI của Việt Nam.
Tuy nhiên, kỷ lục mới cũng đang tạo ra những áp lực mới…
Những siêu dự án
Trong khi dự án khu du lịch Hồ Tràm còn đang gây xôn xao dư luận với kỷ lục về vốn đầu tư hơn 4,2 tỉ Đô la, dự án liên hợp thép và cảng tại Hà Tĩnh của tập đoàn Formosa đã nhanh chóng xác lập một kỷ lục mới là hơn 7,8 tỉ Đô la.
Sự xuất hiện của siêu dự án này đã khiến cho nhiều dự án lớn khác như dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm với vốn đầu tư đăng ký 1,25 tỉ Đô la mới được cấp phép tại Tp.HCM trở nên quá “bình thường” trong bảng xếp hạng các dự án.
Điều dễ nhận thấy là ngày càng có nhiều dự án tỉ đô được triển khai tại Việt Nam. Điều này khiến cho con số thống kê tăng nhanh và hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trong thời gian từ nay đến cuối năm khi mà hàng loạt dự án tỉ đô khác đang được thẩm định.
Trước đây, từng có ý kiến lo ngại rằng việc phân cấp cho các địa phương sẽ làm chậm tiến độ thẩm định các dự án, đặc biệt là các dự án lớn. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay cho thấy việc thẩm định dự án tại các địa phương đã được tiến hành nhanh gọn, được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Tuy nhiên, việc vốn đầu tư đăng ký tăng cao cũng đã khiến cho áp lực giải ngân vốn tăng theo. Số liệu thống kê cho thấy tính đến hết tháng 5/2008, vốn giải ngân chỉ mới đạt khoảng 3,9 tỉ Đô la. Điều này khiến cho áp lực giải ngân của những tháng cuối năm ngày càng lớn. Nếu không rút ngắn được khoảng cách giữa vốn thực hiện và vốn đăng ký trong từng năm, áp lực cũng sẽ tăng lên qua từng năm.
Trong hai năm qua, Việt Nam thu hút hơn 35 tỉ USD vốn đăng ký, nhưng mức giải ngân lại chưa đạt được một phần ba trong đó. Nhiều đại dự án tỉ đô trong hai năm 2006 và 2007 vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Đáng nói là tình hình kinh tế khó khăn hiện nay cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tiến độ giải ngân. Các kế hoạch đầu tư đã được chuẩn bị từ hai ba năm trước nay đang phải điều chỉnh lại. Chưa kể, tình hình khó khăn cũng có thể khiến nhà đầu tư triển khai chậm hơn, hoặc chỉ đầu tư cầm chừng.
Đáng ngại hơn là kinh tế khó khăn như hiện nay cũng có thể khiến nhà đầu tư phải tính toán lại bài toán kinh doanh, thậm chí không tiếp tục dự án như thời điểm khủng hoảng tài chính tiền tệ trước đây.
Sự lựa chọn nào?
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một xu hướng đáng ghi nhận là chính quyền nhiều địa phương đang có một thái độ khá “nghiêm túc” đối với các dự án FDI chậm triển khai.
Qua rồi thời kỳ các địa phương phải nâng niu từng dự án ngay cả khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, giờ đây các tỉnh thành cho thấy một thái độ dứt khoát hơn.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đánh tiếng về khả năng rút giấy phép của dự án khu đô thị và hồ điều hòa Xương Rồng của tập đoàn Intra. Mặc dù đã được cấp phép từ tháng 1/2007 và khởi công vào tháng 8/2007 nhưng hiện chủ đầu tư là Công ty TNHH Intra Việt Nam thuộc Tập đoàn Intra (Nhật Bản) vẫn chưa triển khai được gì.
Khác với trước đây, nhà đầu tư liên tục khẳng định dự án sẽ sớm hoàn thành và đây sẽ là một quần thể đô thị hiện đại, khang trang mang phong cách Nhật Bản giữ lòng thành phố Thái Nguyên.
Người dân nằm trong vùng dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt và cả tâm lý vì nhà đầu tư không cho người dân canh tác trên đất ruộng và không được xây mới, sửa chữa nhà cửa trong khi chưa có hộ dân nào được nhận tiền bồi thường. Đây là điều mà lãnh đạo Thái Nguyên chắc chắn không thể làm ngơ được.
Giữa lúc dự án Intra đang được dư luận “soi” khá kỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đáng tiếng về việc có thể rút giấy phép hai dự án lớn đã cấp phép nhiều năm nhưng chưa kịp triển khai.
Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) cho biết có thể rút giấy phép dự án cảng quốc tế Thị Vải và khu du lịch Paradise tại tỉnh này. Nguyên nhân là do đã được cấp phép nhiều năm nhưng hai dự án này vẫn đang trong tình trạng dẫm chân tại chỗ.
Có lẽ, các địa phương cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các dự án chậm trễ để hạn chế tối đa những thiệt hại về thời gian và công sức, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới có khả năng tham gia tiếp vào dự án.
(TBKTVN)