Sailor Moon - lảm nhảm vụn vặt

Dec 29, 2022 00:07


Moon trong thiên văn học chỉ là một vệ tinh, nhưng Moon trong chiêm tinh học là một hành tinh quan trọng nhất, quan trọng còn hơn cả Sun.

Khái niệm Sun Sign chỉ là khái niệm của chiêm tinh hiện đại để cho chúng sanh tiện đường mà hỏi ngày sinh tháng đẻ sau đó phán như thánh thôi, chứ Sun không phải là một hành tinh quan trọng trong chiêm tinh. Trong Chiêm tinh, hành tinh chủ của cung mọc là hành tinh đại diện cho bản thân, Moon đại diện cho irrational ability, Mercury đại diện cho rational ability. Muốn xác định một người là thông minh hay ngu độn, vậy thì xem Moon và Mercury của người đó trên lá số xem vượng hay hãm, Moon và Mercury có liên hệ mật thiết với nhau hay không. Moon và Mercury càng liên hệ mật thiết với nhau thì người đó sẽ có EQ IQ đầy đủ, không lệch về một bên nào, và được xem như là một người thông minh.

Theo lịch của Nhật Bản, từ thứ 2 tới thứ 6 lần lượt là Moon - Mars - Mer - Jupiter - Venus. Nếu căn cứ theo lịch thì Moon phải gặp Mars đầu tiên chứ không phải gặp Mer, nhưng có lẽ vì chiêm tinh học cho rằng Moon và Mer đại diện cho hai mặt của một con người, mặt phi lý trí và mặt lý trí, nên Sailor Moon gặp Sailor Mercury đầu tiên chứ không phải là Sailor Mars.



Chiêm tinh học cho rằng Mercury đại diện cho lý trí, lý tính, nên Mizuno Ami được thể hiện ra là một cô gái chăm học, sử dụng lý trí để đối diện với chuyện tình cảm kết quả là đuổi hết trai đi 🤣, trái ngược với Tsukino Usagi hoàn toàn không bao giờ suy nghĩ, chỉ một đầu nhiệt lao đầu làm toàn những chuyện không đâu.

Chibi Moon

Chibi Moon của Seramyu diễn hay quá, hay thật sự, rất có khí chất của một Small Lady. Không như trong truyện chìm vãi là chìm. Bài này bé diễn Chibi Moon hát đoạn đầu tiên nghe giọng cực kỳ có nghị lực, biểu cảm cũng hay.

image Click to view



Còn bài này thì bé diễn Chibi Moon hát khỏe, nhảy đẹp, bài hát cũng nói là ở thế kỷ 30 đột nhiên papa biến mất, thế là phải đi tìm Usagi, nhưng Usagi không trông cậy được, nên phải tự lực tìm cách cứu papa.

image Click to view



Uranus - Neptune

Không như Pluto, Pluto ở bài trước đã được giải thích rõ ràng về năng lực và vai trò của cô trong cả câu chuyện Sailor Moon, năng lực và vai trò của Uranus và Neptune hoàn toàn mờ nhạt, mờ tới mức không nói cũng được.

Chiêm tinh truyền thống hoàn toàn không có sự xuất hiện của ba hành tinh ngoại vi. Uranus là hành tinh đầu tiên được phát hiện bằng kính hiển vi, nên Uranus theo quan niệm chiêm tinh truyền thống đó là "hành tinh đem đến sự thay đổi rung động cả thế giới", bởi vì Uranus phá đi logic của chiêm tinh truyền thống, buộc chiêm tinh truyền thống phải sửa đổi lại cho phù hợp với thiên văn học, hoặc là dung nhập thêm khái niệm mới trên nền khái niệm chiêm tinh học cũ. Không biết là thiên văn học và chiêm tinh học đã tách nhau từ lúc nào, nhưng một số sách chiêm tinh bảo rằng khi Uranus được phát hiện thì đó cũng là lúc khoa học kỹ thuật phát triển dẫn tới những môn khoa học thực nghiệm tách khỏi những môn khoa học dự đoán. Cho nên trong chiêm tinh, Uranus là hành tinh của sự "thay đổi bất ngờ, dao động nền tảng của hệ thống cũ". Đây hẳn là lý do của cái tên chiêu thức World Shaking của Sailor Uranus. Tuy nhiên tại sao Uranus lại có chiêu thức Blasting Wind thì có khi nào lại chắp vá từ tên Uranus là sao Thiên Vương, trên không trung (thiên) thì thứ có nhiều nhất là gió, thành ra Uranus mới có kỹ năng của gió?

Neptune được phát hiện ra sau Uranus, việc xác định vị trí và ý nghĩa của Neptune lại càng khó khăn hơn. Vì không ai biết Neptune đại diện cho cái gì, cho nên Neptune được gán luôn là hành tinh đại diện cho "sự ảo tưởng, ngụy khoa học, ảo ảnh". Đó là lý do vũ khí của Neptune là một cái gương, vì tất cả mọi hình ảnh trong gương đều là ảo ảnh, là giả tạo cả. Nếu căn cứ theo đúng ý nghĩa của chiêm tinh, vậy thì chiêu thức của Neptune nên là chiêu thức tác dụng lên tinh thần lực mới đúng, tuy nhiên khi vào trận chiến giữa các hành tinh thì đánh vào tinh thần lực không có tác dụng do đối phương không phải là người, cho nên Neptune đành phải chịu loại chiêu thức gắn với biển sâu (lấy từ tên của Neptune là thần biển sâu) là Deep Submerge, tên chiêu thức chả liên quan vẹo gì với Neptune của chiêm tinh cả. Biển sâu và nước là một cơ mà, tại sao lại sinh ra 2 loại chiêu thức trùng lặp nhau?

Vì Uranus với Neptune đã là hai hành tinh với ý nghĩa mông lung trong chiêm tinh học hiện đại, không được chấp nhận trong chiêm tinh học truyền thống, không có tên trong lịch tuần, chiêu thức thì chắp vá lung tung, cho nên hình tượng của Uranus và Neptune cũng là một loại hình tượng chắp vá. Uranus mang tiếng là "nổi loạn", mang tiếng là "dao động hệ thống cũ", cho nên có lẽ khá là tự nhiên khi mà Tenou Haruka là một cô gái với phong thái phá cách, chống lại định kiến của hệ thống phụ quyền, đó là "con gái nhưng không cần mặc váy, con gái nhưng không công dụng ngôn hạnh, con gái nhưng mạnh mẽ như con trai". Uranus được xây dựng có vẻ hợp lý, nhưng còn Neptune thì sao? Neptune hoàn toàn không có chỗ đứng, hoàn toàn không biết vai trò, đến cuối cùng, Neptune đành nhận lấy một vị trí là cặp đôi với Uranus. Cái vị trí này làm tôi có cảm giác Neptune là dư thừa, thêm vào cho đủ số thôi.

Nếu nói Uranus đóng vai "tomboy", Neptune là một cặp với Uranus, Neptune cần có hình tượng super feminine, thì điều đó lại bị mâu thuẫn với Venus. Venus theo chiêm tinh truyền thống là hành tinh đại diện cho phụ nữ. Sailor Venus là nhân vật đầu tiên mà tác giả viết, bản thân Venus được viết theo hình mẫu một phụ nữ mạnh mẽ, phá bỏ định kiến đồng thời vẫn xinh đẹp ngời ngời. Điều đó cho thấy tác giả vẫn thiên hướng viết các cô gái mạnh mẽ. Một nhân vật thuần theo đúng khuôn mẫu phụ nữ giúp chồng chăm con, thụ động bị động đến mất đi tính cách, đó không phải là nhân vật mà tác giả muốn viết. Thành ra khi viết Neptune, nhân vật Neptune cực kỳ mâu thuẫn, hệ thống lực lượng rất mờ nhạt (hay tại tôi dính skill illusion của Neptune rồi?), tính cách của phiên bản người thường Kaiou Michiru cũng rất mờ nhạt, khi xuất hiện trong toàn bộ câu chuyện thì Neptune chỉ có vai trò là gật đầu và đồng ý với thứ mà Uranus đưa ra, không thấy có một giây phút nào là Neptune quyết định cho chính mình cả. Đang định nói Uranus - Neptune làm tôi nhớ tới cặp Utena - Himemiya của anime Shoujo Kakumei Utena, tới hồi đi tra lại thì Sailor Moon ra trước, Utena ra sau, vậy có thể là Utena được gợi ý bởi Sailor Moon. Himemiya về sau còn có phản kháng, còn Neptune thì hoàn toàn không thấy gì cả.

Chốt lại cái bài lảm nhảm này thì hãy xem Seramyu giải buồn nào. Tôi vẫn thích bài này, đến giờ vẫn thích.

image Click to view



Cho dù có bị vỡ nát và đánh toái thành muôn ngàn mảnh vỡ, những vì sao sẽ không quên đi sứ mệnh của chính mình. Cho dù trong một khoảnh khắc bị hắc ám cắn nuốt mất, đến cuối cùng, những vì sao đều có thể phát ra ánh sáng của chính mình. Hỡi những vì sao, trong trận chiến của những thiên thể, chúng ta sẽ chiến đấu cho đến khi sinh mệnh cạn kiệt. Hỡi ánh sáng, chúng ta sẽ được tái sinh bởi ký ức của sự yêu thương.

Lần theo manh mối của những câu chuyện thần thoại được truyền miệng và thuật lại, đi ngược đến điểm đầu tiên, nơi ấy xuất hiện hình bóng của bạn. Những giọt nước mắt và sự phản bội, toàn bộ đều trở thành một nghi thức thanh tẩy. Hỡi những vì sao, trận chiến của tình yêu vẫn chưa hề kết thúc. Hỡi ánh sáng, chỉ cần giấc mơ về bằng chứng của sự sống vẫn còn đó, đấy là định mệnh của tình yêu.

thought & feeling, sailor moon

Previous post Next post
Up