Chương 1 LỪA GẠT
Nói là tôi ăn trộm điện thoại của người ta thật ra cũng chỉ là ý nghĩ nhất thời vào khi đó. Tôi không hề nghĩ đến chuyện lấy được nó rồi mình sẽ làm gì. Tất cả cũng chỉ đơn giản là vì người đàn ông ngồi phía bên trái tôi trong quán Mc Donalds đã vô ý để cái điện thoại của anh ta vào trong khay đồ ăn của tôi mà thôi. Có lẽ là vì tôi đã để chiếc khay của mình hơi dịch về phía bên tay trái nên anh ta mới hiểu lầm, cho rằng đó là khay của anh ta. Cho đến tận khi tôi định đứng lên và ra về, tôi vẫn không hề nhận ra sự tồn tại của chiếc di động đó trên khay đồ ăn của mình. Chỉ khi tôi cầm chiếc khay đó lên và đứng dậy, tôi mới lần đầu tiên nhìn thấy nó.
Bỏ chiếc tai nghe của máy nghe nhạc ra, tôi nhìn về phía bên trái mình. Anh ta quay lưng về phía tôi và đang cùng một đàn em ngồi phía bên trái anh ta nói chuyện không dứt.
“Thế nên anh mới nói là anh không hề dung loại túi eco-bag đó. Nó với cái loại ban đầu là khác nhau. Bị người khác xoay như chong chóng rồi mua nhiều, nhận nhiều túi eco-bag như vậy là không được. Chúng ta làm kinh doanh, là người xoay người khác như chong chóng chứ không phải là thằng bị xoay. Bản thân mà lại còn bị xoay nữa thì làm ăn được gì. Có hiểu không hả? Đó gọi là bài học cho người làm kinh doanh đấy. Thế nên là, ví dụ như về chiếc eco-bag đi, phải làm cho người ta càng ngày lại càng muốn nhận được nhiều túi eco-bag hơn nữa. Sự thật nếu là như vậy thì nó chẳng còn gọi là eco nữa rồi. Thừa càng nhiều thì lại càng tung ra nhiều túi eco-bag hơn nữa, nhưng sau cùng tất cả cũng chỉ trở thành rác mà thôi. Bản chất thật sự của eco, nếu nói một cách thô thiển thì phải là ăn đến cả phân. Có loại côn trùng như vậy mà phải không? Nhưng tại sao con bọ hung lại ăn phân thì anh không biết nhưng phân của con côn trùng ăn phân không là phân thì là cái gì? Cậu có nghĩ thế không? Những lúc cậu cố nhịn, không đi vệ sinh, cậu có thấy sướng không? Thỉnh thoảng anh vẫn cứ làm như vậy đó, nhịn cho đến lúc không nhịn nổi nữa thì thôi. Coi như đó là eco đi.”
Tôi cứ thế để chiếc điện thoại ngay trên khay và thản nhiên đi qua.
Đó là chuyện vào bữa ăn trưa thứ năm, khi tôi ăn một bữa ăn gộp cả sáng và trưa tại quán Mc. Tôi làm việc ở cửa hàng điện máy mang tên Megaton. Cứ đến thứ hai và thứ năm hàng tuần là tôi lại được nghỉ.
Sau khi rời khỏi quán Mc, tôi đã vào một hàng sách trên tầng ba của toà nhà trước ga Hiyoshi và đứng đó coi cọp một cuốn sách về camera rất lâu. Sau đó, tôi mua đồ ăn tối tại một conbini trên con đường trước ga. Khoảng hai mươi phút đi bộ nữa, tôi trở về tới căn hộ của mình. Khi đặt đồ bỏ trong túi lên trên chiếc kotatsu, tôi mới nhớ ra là mình đã ăn trộm chiếc điện thoại đó. Tôi thấy thật hối hận, tại sao mình lại mang cái thứ đồ vô dụng và phiền phức này về nhà kia chứ? Còn đang lẩm bẩm định vứt nó đi thì có một tin nhắn mói được gửi tới. “OK. Nói chung là mỗi người góp khoảng 5000 yên. Còn sau đó thì tuỳ vào tình hình tài chính của mỗi người mà có thể góp nhiều hơn hoặc ít hơn. Tao hoặc là mày, Daiki, sẽ đứng ra thay mặt, lúc đến thăm nó sẽ đưa cho nó. Còn về số tài khoản thì tao sẽ báo lại sau”.
Khi tôi xem lại nhật ký tin nhắn gửi tới và tin nhắn gửi đi, tôi mới biết thì ra là có một thằng bạn thời còn đi học, trong lúc uống say lái xe đã gây ra tai nạn, khiến cho vợ chưa cưới của nó ngồi ở bên cạnh bị thương nặng. Giờ thì tiền bảo hiểm không trả nổi nên số tiền còn thiếu đó mọi người cùng đóng góp để giúp đỡ thằng bạn đó. Có vẻ như là như vậy.
Nghĩ là trước khi vứt cái điện thoại này đi mà không bày trò nghịch ngợm một chút thì chẳng có gì là hay ho cả. Vậy nên tôi đã nhắn tin trả lời lại rằng “Mày đứng rat hay mặt đi. Tao còn đang bận nhịn ỉa. Sướng lắm mày ạ”. Khi tôi bấm nút thử gửi tin nhắn đi, tôi lại thấy mình thật là điên nên đã quyết định không gửi tin nhắn đi nữa.
Ngay lúc tôi quyết tâm định vứt chiếc điện thoại đó đi thì nó bắt đầu đổ chuông có điện thoại gọi tới. Nhìn vào phía trên màn hình hiển thị thì người gọi đến là “Mẹ”. Không phải là tin nhắn gửi tới mà có vẻ như là điện thoại gọi tới. Tất nhiên là tôi sẽ không nghe rồi. Sauk hi đổ chuông một lúc, nó được lưu lại vào trong cuộc gọi nhỡ. Sau đó thì có một tin nhắn thoại được lưu lại, tôi đã mở ra nghe thử.
“A, Dai-chan? Mẹ đây. Có thiệp mời tham dự buổi họp lớp cấp ba của con gửi về nhà này. Nếu con cần thì mẹ gửi lại lên đó cho con. Nhưng mà thỉnh thoảng con cũng nên về nhà thăm nhà chút chứ. Nếu nghe được tin nhắn này thì nhớ gọi điện lại cho mẹ đấy.”
Ban đầum tôi thấy thông cảm cho cái cậu Daiki này. Có vẻ như cậu ta được lớn lên trong sự bao bọc quá kỹ lưỡng của gia đình, lại còn có một bà mẹ nhân tiện chuyện thiệp mời họp lớp mà bắt con về nhà. Có lẽ chính vì thế mà giờ đây cậu ta lại thích nhịn đi vệ sinh đến vậy. Nhưng sau đó suy nghĩ lại, có lẽ chuyện thiệp mời chỉ là cái cỡ, mẹ cậu ta thật sự rất mong cậu ta liên lạc về nhà cũng nên. Cậu Daiki này không hề biết quan tâm cha mẹ chút nào. Được rồi, đã thế thì ta sẽ gửi một tin nhắn góp vui cho mẹ cậu ta vậy. Khi mở danh bạ điện thoại, phần folder Gia đình ra thì tôi lại chỉ thấy số điện thoại của mẹ là một dãy số 10 con số 048XXXXXXX mà thôi, không hề có số di động. Trong folder Gia đình thì chỉ còn có số của Nhà chị hai, Di động chị hai nữa mà thôi. Hay là mẹ cậu ta không có di động nhỉ?
Tôi thấy thật buồn khi không thể gửi lại tin nhắn cho mẹ cậu ta. Không hiểu sao tôi lại có cảm giác thật muốn làm cho mẹ cậu ấy được vui. Phải rồi, hay là tôi gọi lại cho mẹ cậu ta? Nghĩ vậy, tôi liền thử bắt chước giọng nói của “Daiki” mà tôi đã nghe được ở trong quán Mc Donalds.
A, tôi là Daiki. Xin lỗi mẹ, đúng lúc con đang bận nhịn ỉa nên không nghe điện thoại được.
Giống đến không ngờ. Còn đang hào hứng tự mình nói chuyện điện thoại một mình thì điện thoại của “Daiki” lại một lần nữa đổ chuông. Lại là điện thoại của “Mẹ”. Sauk hi băn khoăn mãi, tôi đã quyết định cầm chiếc điện thoại này về, có lẽ tôi đã có duyên với nó cũng nên. Lại đang lúc tôi nhập vai “Daiki”, tiến lên thôi. Vậy là tôi nhấn nút nghe điện thoại.
Ngay trước khi tôi kịp nói câu A lô, “Mẹ” đã lên tiếng “A, Daiki? Mẹ đây. Con đã nghe tin nhắn lúc nãy chưa? Có đi hay không thì phải báo lại trước ngày mùng 7 tháng 5 đấy. Con cũng về nhà lấy thiệp mời đi. Đến tết cũng không về tồi, hơn nửa năm rồi còn gì nữa. Ít nhất cũng để mẹ được thấy mặt con chứ”. Bà cứ nói liến thoắng như vậy mà không hề nghỉ lấy một hơi. Chính vị có bà mẹ như vậy nên thằng con mới thế kia. Tôi bỗng chợt nhớ lại cậu “Daiki” cứ bốc phét một mình trước mặt thằng đàn em, không để nó nói câu nào mà tôi đã gặp ở quán Mc Donalds lúc trước.
“Con cũng muốn về nhà lắm. Nhưng mà giờ con cũng bận rộn, không thể đi đâu được cả. Còn không xin nghỉ được ngày nào cả, bụng dạ lại cũng không tốt nên mệt lắm mẹ ạ”.
Tôi cứ căng thẳng, lo lắng không biết mình có bị lộ là đồ giat hay không. Nếu như bị hỏi là “Sao giọng con lạ thế?”, tôi sẽ trả lời lại là “Con bị cảm”. Thậm chí tôi đã chuẩn bị cả những lời nói dối đến như vậy nhưng mà “Mẹ” thì hoàn toàn không thấy nghi ngờ gì hết cả.
“Con lại thấy không khoẻ à? Con chỉ giống bố con mà thôi, sức khoẻ đều không được tốt. Mẹ đã dặn con để ý sức khoẻ vào rồi cơ mà. Thế nên mẹ mới nói, thỉnh thoảng con cũng phải về đây đi, thong thả mà nghỉ ngơi. Ăn rau quả cho nó đầy đủ vào mới tốt cho cơ thể.”
“Con còn muốn như thế hơn u nữa ý chứ. Con cũng ngán ăn Mc đến tận cổ rồi. Con cũng thấy chán, chỉ muốn được về nhà nhanh, ăn món ăn mà u nấu thôi”.
“U? Từ lúc nào mà con chuyển từ gọi mẹ sang gọi thành u thế hả? Gọi u nghe giống như kiểu mấy bà lão ngày xưa, đã già lắm rồi vậy. Mẹ không muốn bị gọi như vậy đâu.”
Tôi vừa toát mồ hôi hột vừa nói “Xin lỗi mẹ, con chỉ buột mồm thôi mà. Cũng tại dạo này mọi việc không được như ý muốn nên thỉnh thoảng có lúc như vậy. Con sẽ ngoan ngoãn mà gọi mẹ là mẹ mà”.
“Có gì mà không được như ý muốn? Công việc hả? Hay là lại cãi nhau với con bé Mamiko rồi? Mẹ không hiểu nổi con nữa. Rõ là ở gần nhau như vậy, có gì thì đi nói chuyện thẳng thắn với nhau thì có sao? Thế có chuyện gì không vui hả?”
Tôi lại vẫn dự định nói đến mấy chuyện liên quan đến cái thứ dơ bẩn kia nhưng mà không lẽ mình lại chỉ biết nói đến cái thứ đó thôi sao? Nghĩ vậy tôi liền bị khẩn trương, phải nghĩ ra một lý do, một rắc rối nào đó ngay lập tức mới được.
“Dạ, chuyện này cũng khó nói”.
“Gì thế? Con làm mẹ tò mò quá đi. Chuyện gì không thể nói ra được hả?”
“Không phải là không nói ra được mà là con chỉ không muốn mẹ phải lo lắng thôi”.
“Con nói như vậy mới càng khiến mẹ lo lắng hơn đấy. Chuyện gì nào?”
“Là tại mẹ nhé, con không định nói ra đâu đấy”.
Trong lúc tôi còn đang rối trí thì bất chợt câu nói đó tuột ra khỏi mồm “Con phải đi vay nợ người ta rồi”.
Chuyện đến nước này chính tôi cũng phải giật mình. Tôi lo lắng vô cùng, giọng nói cũng trở nên trầm trọng hơn “Con nợ nhiều lắm rồi”.
Tôi mệt mỏi than phiền với “Mẹ” rằng “Con sắp chịu không nổi rồi”. Sau đó là một khoảng im lặng. Rồi tiếng bà nhẹ nhàng vang lên “Bao nhiêu tiền?”
“Cái đó…”, nói xong tôi liền im bặt. Giờ đến phiên tôi giật mình. Tại sao vừa rồi bà lại không nói gì? Không lẽ “Mẹ” vừa ngã quỵ hay sao?
“Bao nhiêu tiền?”, “Mẹ” lại hỏi lại tôi một lần nữa.
“Đáng lẽ con không nên nói ra. Không có gì đâu ạ, mẹ quên đi. Con tự lo được mà.”
“Bao nhiêu tiền?”
Không lẽ bây giờ không thể rút chân ra khỏi được nữa. Chính bản thân không thể nói thật từ đầu, điều đó khiến cho tôi thấy giận chính mình. Nhưng mà giờ là lúc phải thành thật mà nói ra khoản tiền đó rồi phải không nào?
“Hai triệu yên”, tôi trả lời chỏng gọng. “Mẹ” thở dài một hơi. Có lẽ là con số đó không nhầm lẫn gì rồi. Việc tiếp theo là làm sao mà tôi đi vay nợ.
“Đó là tiền lãi hả?”
Tôi không ngờ rằng bà lại hỏi tôi câu đó. Tôi ấp úng trả lời “Dạ không. Không phải chỉ có như vậy. Mà chỉ cần ngần đó nữa thôi là đủ rồi ạ.”
“Vay nợ không phải là của bọn cho vay nặng lãi hả?”
“Không phải, không phải. Thật ra là lúc trước, con có lái xe của bạn rồi gây ra tai nạn giao thông. Cả hai lúc đó do uống say nên không nhận được tiền bảo hiểm. Sau đó lại phải vay tiền của một người bạn khác để bù vào. Con đã trả từng chút một cho cậu ta rồi nhưng mà quá mệt mỏi. Quan hệ với cậu ta cũng căng thẳng hơn. Con chỉ muốn mau chóng trả nợ cậu ta cho nhanh, đến múc mà cả ban đêm cũng phải đi làm thêm kiếm tiền. Giờ cả thân thể đã mệt nhoài rồi, thật sự là con không chịu nổi nữa”.
“Tai nạn gì chứ? Con có bị thương ở đâu không?”
“Đã khỏi rồi ạ, chỉ là cái chân đi lại còn chút vấn đề.”
“Bạn con thì sao?”
“Cũng bình thường rồi ạ. Vừa bị thương, xe lại bị hỏng”.
“Mẹ” lại thở dài một hơi, “Chuyện đó con mà bàn bạc với bố mẹ trước thì tốt biết mấy.”, bà nói theo giọng giận hờn.
“Mà cũng may, con còn có bạn bè. Cứ tưởng như bố con, vay nợ của bọn cho vay nặng lãi rồi ngập đầu trong tiền nợ làm mẹ lo thót tim. Mẹ chỉ sợ sau này con lại đi theo vết xe đổ của bố con mà thôi.”
Đến đây, tôi mới hiểu tại sao trong danh bạ, số điện thoại này lại được lưu là “Mẹ”, chứ không phải là “Nhà”. Hoá ra là không còn bố nữa rồi.
“Mẹ đừng có nói gở như vậy”.
“Mẹ lo lắm đấy. Nếu đã thấy cực khổ như vậy thì để mẹ giúp cho một chút. Tất nhiên nếu không thì mẹ cho vay rồi sau này trả lại mẹ sau cũng được.”
“Nếu được vậy thì tốt quá rồi ạ. Nhưng con chỉ dám nhận tấm lòng của mẹ thôi, tự con xoay xở được mà.”
“Con đừng có gò ép bản thân mình quá. Mẹ thì nghĩ rằng so với việc phải đi vay nợ thì nhờ vả vào cha mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều.”
“Nói như vậy nhưng con vẫn thấy thế nào ấy”.
“Này, con còn có chuyện gì giấu mẹ hả? Thật sự là không phải đi vay của bọn cho vay nặng lãi chứ hả? Sao mẹ cứ ngửi thấy mùi của bọn chúng”.
Tiếng hít ngửi của “Mẹ” cứ như đã phát hiện ra tôi chỉ là một đứa mạo danh. Nó đã đánh thức trong tôi một cảm giác tội lỗi. Không thể để cho “Mẹ” thấy khó chịu được. Phải cho “Mẹ” ngửi thấy một mùi giống y như thật, khiến bà mãn nguyện mới thôi.
Chuyện này hơi lạ, nhưng khi đó, lần đầu tiên tôi thấy rằng nghĩa vụ cao cả của cha mẹ là cho con cái tiền.
“Vâng, thật ra thì đúng là con cũng đang dồn ép bản thân. Nói thẳng ra thì thằng bạn cho con vay tiền vừa bị công ty cho thôi việc nên nó cũng đang cần tiền gấp lắm ạ. Lại còn phải trả tiền nhà nữa. Hạn đến ngày mai, con phải trả cho nó một triệu rồi. Thế nên là cũng chả còn cách nào khác, con có lẽ cũng đành phải đi vay tiền của bọn cho vay nặng lãi mà đi trả nợ mất thôi”.
“Sao lại…”, “Mẹ”nói xong lại rơi vào im lặng. Tôi dường như đang nhìn thấy “Mẹ” rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng.
“Hạn là ngày mai à?”, “Mẹ” như đang tự hỏi chính mình.
“Tốt nhất là trong ngày hôm nay…”
“Đọc cho mẹ số tài khoản của con đi”.
“Cái này thì có khi mẹ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản thằng bạn cho con thì hơn ạ”.
“Một triệu là được chứ gì?”
“Con cũng tiết kiệm được một trăm nghìn rồi, còn cần thêm chín mươi nghìn nữa thôi”.
“Mẹ sẽ trả cho con một triệu. Con cứ giữ lấy một trăm nghìn đó rồi quay về đây”.
“Không ạ, con đã trả nó trước một trăm nghìn rồi. Thế nên chỉ nhờ mẹ thêm chin mươi nghìn nữa thôi. Nếu nhiều quá, con lại cảm thấy như phải nhờ vả quá nhiều, không khéo phải từ chối mất thôi”.
“Hiểu rồi, hiểu rồi. Vậy đọc cho mẹ số tài khoản của bạn con đi.”
Tôi đã nói ra số tài khoản của chính mình. Tôi cảm thấy như mình đã bị cuốn vào chuyện này. Trong đầu tôi cứ luôn hiện lên cảnh báo rằng khai tên thật của mình ra là không được, rồi sẽ bị lộ, xác suất bị bắt sẽ rất lớn. Thế nhưng tôi đã bị dính vào rồi, không có ai bên cạnh để ngăn tôi lại nữa.
Tôi xin thề rằng, tôi gọi cú điện thoại này ban đầu hoàn toàn là vì thành ý, cùng lắm thì chỉ là chút đùa nghịch mà thôi. Cảm nhận được nỗi cô đơn của “Mẹ”, tôi chỉ muốn làm nó nhẹ bớt đi phần nào. Chính vì thế mà tôi cố gắng làm theo những kỳ vọng của bà mà không hề gây ra tội ác nào.
Thế nhưng không biết từ lúc nào, câu chuyện đùa đã trở thành sự thực. Rốt cuộc là tội ác đã xen chân vào từ chỗ nào chứ? Tôi đã không thể nào kịp cảnh tỉnh mình.
Trước khi dập điện thoại, “Mẹ” còn hỏi tôi lại một lần nữa “Thật sự không phải là của bọn cho vay nặng lãi chứ?”. Tôi trả lời lại “Con xin thề, không phải”.
===============
2 nhân vật Ore xuất hiện trong chương này là nhân vật "Tôi" và "Daiki".
Nhân vật "tôi" tên là Nagano Hitoshi. Làm việc tại một công ty điện máy tên Megaton.
Nhân vật "tôi" thứ 2 là Daiki, là một nhân viên kinh doanh.