Hễ đụng tới nghề dịch mà đặc biệt là dịch những thứ văn thơ họa nhạc thì thể nào cũng sẽ đụng vô ngã ba đường: dịch đơn giản hay dịch hoa mỹ.
Dịch đơn giản là dịch bám sát từ ngữ gốc, dùng những từ toàn dân ai cũng hiểu. Dịch hoa mỹ có hai kiểu, thứ nhất là dùng từ hàn lâm khó hiểu hoa lá cành (kiểu như "đẹp" thì không dịch "đẹp" cho rồi mà dịch thành "diễm lệ tú mỹ" gì đó :v). Một loại hoa mỹ khác là dùng từ bình thường, nhưng mang theo kiến giải của cá nhân người dịch (chẳng hạn すごい không dịch là "đáng ngạc nhiên" theo phương án an toàn mà dịch thành "tuyệt vời" hay "kinh dị" tùy hoàn cảnh =]]]]).
Người ta có vẻ như ủng hộ dịch đơn giản, nhưng cũng xin nhớ lại là nếu dịch đơn giản và toàn dân thì vì từ toàn dân có hạn nên sẽ dễ lặp từ, tạo cảm giác bản dịch có vốn từ nghèo nàn rập khuôn và vì thế dở ẹc. Đó là còn chưa kể ranh giới của từ toàn dân nhiều khi cũng mù mờ và tùy thuộc hoàn toàn vào kiến thức của người dịch nữa. Hơn nữa, mình cũng chẳng cho rằng dùng từ toàn dân 100% là cho ra được một bản dịch hay. Đơn cử là truyện tranh của anh Trẻ thường được đánh giá là có chất lượng dịch nhỉn hơn anh Đồng, mặc dù anh Trẻ dùng từ địa phương với tần suất cao hơn, là vì sao? Vì ngôn ngữ của sách Trẻ gần gũi, gây được dấu ấn riêng. Thử hỏi là bây giờ mà đọc truyện Adachi Mitsuru bản "tiếng toàn dân", mất đi mấy cái xưng hô đặc thù hay những tiếp vĩ ngữ "hen, nghen v.v..." thì tui cam đoan là tui dẹp sách ngay tắp lự! Nhà văn Lý Lan dịch Harry Potter bằng tiếng địa phương, mà độ tiếp thu của độc giả vẫn rất cao từ ngày đầu ra mắt. Chứng tỏ, dùng hay không dùng tiếng địa phương không phải là yếu tố quyết định độ hay của một bản dịch, mà là khả năng điều hòa của người dịch.
Nãy giờ nói người, bây giờ nói mình. Khi tui dịch phim tui thường được khen (ờ người ta không khen thẳng mặt mà người ta ra chỗ khác khen ngầm nên nhiều khi phải đi loanh quanh mới vô tình thấy được XD), mỗi khi đọc tới mấy lời khen này, dù chỉ một hai câu thôi, cũng khiến ngọn lửa nhiệt huyết bùng cháy trở lại (éc XD), nên nói gì thì nói, tui vẫn là thích dịch phim (không công) hơn là dịch sách (lấy tiền), và dù khi dịch phim tui thường thường ngâm muối nhưng chưa bao giờ nghĩ tới hoàn toàn từ giã cuộc chơi =]]]]. Dịch sách thật ra thì cũng vui, nhưng vì sản phẩm không phải của một mình mình, hơi bị gò bó, nhiều khi muốn dùng một từ mình rất thích hay mới nghĩ ra, nhưng lại sợ độc giả không tiếp thu được, rồi các thành phần tinh vi bắt bẻ là tui dịch không sát nghĩa hay gì gì, nói chung là vì cũng sợ búa rìu dư luận nên đành phải từ bỏ cách diễn đạt tâm đắc. Cho nên thật sự muốn nói với mấy bạn hùng hồn khẳng định "từ toàn dân" mà mạt sát lớp từ vựng cá nhân của người dịch là, từ thông dụng đương nhiên là rất tốt, nhưng chính vì thông dụng nên nó cũng kèm theo những tính chất là tẻ ngắt, nhạt nhẽo, vô hồn. Thay vì đóng khung trong một lớp từ cũ kỹ và quanh quẩn, thì sao bạn không cố gắng tra cứu và tìm hiểu khi gặp từ lạ được người khác sử dụng? Đây chẳng phải là cơ hội để bạn biết thêm một từ mới sao?
Tui cũng không phải đang bao biện gì cho sự dịch dở của bản thân, nhưng mà cảm thấy vấn đề không nằm ở chỗ dùng từ toàn dân hay từ địa phương, mà một dịch giả giỏi nên là người biết hô biến cho từ toàn dân và từ địa phương chung sống hòa bình và vui vẻ trong cùng một bản dịch.