Sống và tư duy hiện đại, muốn được tự khẳng định mình nhưng không thiếu những suy nghĩ sâu sắc về tình cảm trong gia đình, luôn khao khát tình yêu thương là thể hiện của lớp trẻ ngày nay trong các bài viết tham gia diễn đàn “Hạnh phúc nào cho con?” từ ngày 20-4-2010
Hơn 20 bài viết tiêu biểu, đặc sắc trong số 412 e-mail gửi tới tham gia diễn đàn không chỉ chuyển tải tâm sự của con trẻ mà còn là nỗi lòng giấu kín bao năm của những “đứa con lớn tuổi” muốn gửi đến cha mẹ mình.
Bạn trẻ muốn gì?
Nhận thức về hạnh phúc trong thư của Xuân Thắm viết về hoàn cảnh của gia đình mình (bài “Hạnh phúc nào cho con?”), không như chúng ta tưởng. Bố mẹ không hạnh phúc, ra sức chịu đựng nhau vì nghĩ rằng đó là cho con cái nhưng chúng lại gọi đó là “địa ngục kiểu trí thức”. Cô bé 20 tuổi bày tỏ: “Nếu trong gia đình mà vợ không coi chồng ra gì; chồng không thấy có hạnh phúc, không chia sẻ được với người vợ thì không nên sống với nhau. Vì con cái ư? Chúng cháu khổ sở lắm khi phải sống với hai người như thế... Chúng cháu sẽ không sống như vậy đâu. Chúng cháu cần được sống, được tôn trọng giá trị bản thân, nhất là với người đầu ấp tay gối cả đời”.
Đọc những lời của Xuân Thắm, nhiều bạn đọc là các ông bố, bà mẹ đã ngay lập tức gửi ý kiến, bày tỏ sự ngạc nhiên về suy nghĩ của lớp trẻ thời nay nhưng cũng không kém phần đau xót. Và bạn đọc Trần Thành Vũ (Bình Dương) đã mở đầu diễn đàn bằng bài viết “Vì con”, chia sẻ sai lầm của vợ chồng anh cố sống với nhau, tưởng là cho con hạnh phúc nhưng đâu ngờ việc ấy khiến đứa con bị tai nạn và bỏ học.
Tiếp đó là những bài viết của những đứa con, lứa tuổi từ 17-25 nhắn gửi cha mẹ mình những thông điệp mà chúng không thể nói trực tiếp. “Xin cho con được là con” (Phan Trung Hiếu, Từ Liêm - Hà Nội) “Đừng ép con” (Nguyễn Mận, quận 1 - TPHCM), “Theo nghiệp của ba” (Nguyễn Khánh Băng, quận 3- TPHCM),... cho thấy tiếng “kêu cứu” những “sản phẩm độc quyền” do những ông bố, bà mẹ chỉ biết “lo cho con” mà không cần biết “tâm tư nguyện vọng”. Những đứa con vẫn chiều bố mẹ, làm theo nhưng trong đầu chúng xem đó là sự áp đặt. Trung Hiếu viết: “Cả một thời gian dài con đã rất buồn mẹ, con nghĩ mẹ thật vô cảm khi xem con là vật sở hữu, muốn đưa vào sử dụng theo cách chỉ một mình mẹ muốn mà thôi. Con đã làm theo ý mẹ trong sự hậm hực khôn nguôi... Con đã hiểu mẹ yêu con nhiều như thế nào nhưng con cũng mong muốn nếu mẹ yêu con, mẹ cho con được làm chủ tương lai của mình. 22 tuổi, con trai mẹ lớn rồi, mẹ hãy cho con được là chính con từ hôm nay mẹ nhé”.
Nhưng không phải cứ chiều chuộng, tạo điều kiện tối đa cho con cái tự do đã là mang đến hạnh phúc cho chúng. Bài “Giá như đừng để con tự do” (Nguyễn Tiến Dũng, quận 2-TPHCM) là sự trả giá quá đắt khi biết mình bị HIV mà Dũng lại thấy mừng vì như thế em mới được về nhà ở với cha mẹ.
Khao khát tình yêu thương
Các ông bố, bà mẹ vì phải vật lộn với cuộc sống, phải ra đi vì những biến cố của cuộc đời, phải xa rời con cái bởi những lý do “khó nói” nhưng những đứa con thì luôn luôn chỉ có một khao khát, đó là được yêu thương. Đọc “Mẹ và người giúp việc” (Tiểu Mẫn) thấy ngay sự buồn chán của đứa con khi chỉ nghe ở mẹ một câu “con còn tiền tiêu không?”, trong khi đó cô giúp việc lại hằng ngày chăm sóc, tâm sự với đứa con.
Sự thiếu tình cảm của người mẹ, đôi khi để lại hậu quả đáng tiếc như trong tâm sự của Tâm Lan ở Đông Hà - Quảng Trị, khi em phải thông báo với mẹ việc mình lỡ có thai với bạn trai qua bài viết “Mẹ ơi, con có thai”.
“Thư gửi ba trong trại giam” lại cho thấy một đứa con có lòng bao dung, biết dùng tình cảm của mình để mong cảm hóa người cha lầm đường lạc lối, điều mà không phải người lớn nào cũng làm được.
Mỗi tâm sự là một cảnh gia đình, mà ở đó, sự bất hạnh từ cuộc hôn nhân của cha mẹ đã đem lại thiệt thòi cho những đứa con. “Thèm được gọi mẹ ơi” (Lý Hòe) là tiếng khóc lặng thầm mỗi đêm của đứa con bị mẹ bắt gọi là cô, chỉ vì người mẹ phải giấu thân phận đã có chồng. “Ngày không quên” cũng cho thấy hoàn cảnh đặc biệt của đứa con phát hiện mình là đứa con bí mật của ba và mẹ.
“Mẹ ơi đừng nói dối” (Nguyễn Huyền Thương (Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội), “Ba ơi đừng đánh mẹ” (Mạnh Tùng) là tiếng kêu cứu nhiều hơn là lời tâm sự. Những đứa con không thể nói với ba mẹ những điều chúng nhìn thấy hằng ngày. Phía sau những lời cầu khẩn, ẩn chứa một mong muốn khác, đó là chúng không muốn học theo cách sống sai lầm của ba, mẹ mình.
Diễn đàn còn nhận được cả những bài viết của những người con nuôi, tiêu biểu là hai bài viết rất xúc động “Con cần tình yêu thương” (Nguyễn Mận) nói lên tình cảm của đứa con dù tìm được cha mẹ ruột,nhưng người em coi là cha, là mẹ, là hạnh phúc vẫn là người bà đã nhặt em về nuôi năm xưa. Và bài viết “Con nuôi” cũng là chia sẻ tình cảm của người con xa xứ, dù đã bị mẹ nuôi hiểu lầm, xa lánh sau khi có con ruột nhưng sau bao năm vẫn nhớ về tình cảm đầu đời cô có được từ người mẹ nuôi.
Điều đáng nói là các bài viết trên diễn đàn “Hạnh phúc nào cho con?” đều được bạn đọc đón nhận với sự cảm thông, chia sẻ. Diễn đàn khép lại nhưng chắc chắn những thông điệp của những người con đã được nhiều ông bố, bà mẹ lắng nghe. Đúng như độc giả H. Tuyết Lan đã chia sẻ trong phần gửi ý kiến cho bài viết: “Tôi thấy thương vô cùng những đứa con tội nghiệp. Tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc câu chuyện. Các con tôi có đang nghĩ như vậy không? Trẻ con bây giờ có suy nghĩ “lớn” quá, nhiều điều người lớn không tưởng tượng nổi...”.
Hạnh phúc nào cho con? Hy vọng, mỗi ông bố, bà mẹ sẽ luôn giữ cho mình câu hỏi này cho mỗi việc làm khi chăm lo hạnh phúc gia đình.
Rau Thơm
(theo nld)
(Source:
Tin180 - Nỗi lòng của những đứa con - Tuổi trẻ - Tình yêu - Đời sống - Tiêu điểm )
Video Clip
Chính trị - Xã hội: Cháy dữ dội tại khu Big C Thăng Long - Xã hội
Ảnh - Video: Chiêm ngưỡng pha bóng tuyệt kỹ của Nadal - Thể thao
Tin tức: Video trận Paraguay - Tây Ban Nha: Villa lập đại công, Tây Ba...
Tin tức: Video trận Uruguay - Hà Lan: Hạ Uruguay, Hà Lan lần thứ ba và...
Tin tức: Video trận Đức - Tây Ban Nha: Đánh bại Đức, Tây Ban Nha lần đ...
Tin tức: Hạ gục Đức, Tây Ban Nha hùng dũng tiến vào Chung kết - Worldc...