GIỜ TRÁI ĐẤT NỐI LIỀN THẾ GIỚI

Feb 10, 2009 16:03

GIỜ TRÁI ĐẤT NỐI LIỀN THẾ GIỚI
Chiến dịch toàn cầu của WWF “Giờ Trái Đất”
  • 74 thành phố trên 62 quốc gia cam kết tham gia Giờ Trái Đất 2009
  • Giờ Trái Đất hướng đến con số một tỷ người trên 1000 thành phố tham gia
  • Suy thoái kinh tế như một cơ hội hướng nền kinh tế theo một tương lai bền vững và an toàn hơn

Ngày 10/12/2008: 74 thành phố trên 62 quốc gia đã cam kết tắt đèn trong chiến dịch Giờ Trái Đất của WWF. Với hy vọng đạt đến con số một tỷ người trên 1,000 thành phố trên khắp thế giới tham gia, chiến dịch kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ tắt các bong đèn trong một giờ vào ngày thứ Bảy, ngày 28 tháng Ba năm 2009 vào lúc 20:30 , như tiền đề ủng hộ các hoạt động nhằm giảm thiểu các nguy cơ của sự biến đổi khí hậu.

Giờ Trái Đất với mục đích biểu trưng tinh thần đoàn kết chưa từng thấy từ trước tới nay và tạo ra một nhiệm vụ toàn cầu có tính biểu tượng cao sẽ tạo nên sức nóng cho cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới tại Copenhaghen vào tháng 12 năm 2009 nhằm đưa ra một giải pháp toàn cầu chống lại sự biến đổi khí hậu.

Chiến dịch tắt đèn, được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Sydney năm 2007 như một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, đã phát triển mạnh trong hai năm qua và hiện nay 74 thành phố đã sẵn sàng tham gia chiến dịch năm 2009. Các thành phố đã cam kết tham gia bao gồm Los Angeles, Las Vegas, London, Hongkong, Sydney, Rome, Manila, Osla, Cape Town, Warsaw, Lisbon, Singapore, Istanbul, Mexico City, Toronto, Dubai, Moscow, và Copenhaghen.

Vào lúc 8:30 tối thứ Bảy, ngày 28 tháng Ba, thế giới sẽ chứng kiến một số toà nhà nổi tiếng tắt đèn để ủng hộ những hành động tích cực chống lại sự biến đổi khí hậu. Những toà nhà đó bao gồm Tháp Liên Bang Nga tại Moscow, khách sạn cao nhất thế giới tại Dubai - Burj Dubai, toà tháp cao nhất thế giới - Toà tháp CN tại Toronto, toà nhà cao nhất thế giới ở châu Mỹ, và tại Rome là Quirinale, dinh thự tổng thổng Cộng hoà Italia, ngài Giorgio Napolitano.

Toà tháp Sky của Auckland - toà tháp cao nhất ở phía Nam bán cầu sẽ chìm vào bóng tối, cùng với biểu tượng của Australia, nhà hát Opera Sydney, và tại Cape Town, Nam Phi, đỉnh núi Table Mountain sẽ đánh dấu sự kiện Giờ Trái Đất bằng cách tắt các đèn pha tại đây.

Tổng giám đốc của WWF Quốc tế, ông Jim Leape nói, “Khi các nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau tại Copenhagen tháng 12 năm 2009 để hội đàm về một giải pháp mới về khí hậu, họ phải thấy rằng cả thế giới đang dõi theo họ.”

“Giờ Trái Đất là cơ hội cho công chúng gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng họ đang theo dõi và hy vọng hành động,” ông Leape nói.

Trưởng đại diện của WWF Greater Mekông, ông Eric Coull, phát biểu “Điều tôi mong đợi từ Giờ Trái Đất đó chính là thông điệp: Nếu tất cả mọi người cùng nhau hành động, chúng ta sẽ cùng tạo ra tác động lớn đối với biến đổi khí hậu. Chúng ta được lựa chọn và có khả năng tạo ra sự khác biệt. Chúng ta chỉ cần bắt đầu bằng việc tắt đèn - còn điều gì có thể dễ dàng hơn thế?”

Tổng giám đốc điều hành chiến dịch Giờ Trái Đất toàn cầu, ông Andy Ridley nói, “ Những sự kiện gần đây đã cho thấy rằng thế giới có thể cùng chung sức trong những giai đoạn khủng hoảng. Sự suy thoái của nền kinh tế thế giới là một ví dụ, khi và tại những nơi sự suy thoái xảy ra, những hành động đa phương mang tính chất quyết quyết định của các quốc gia lớn đã chứng tỏ rằng điều đó có thể thực hiện được.”

Ông Ridley cũng cho rằng năm 2009 là “năm định đoạt” của trái đất với những quyết định hệ trọng cần được thông qua tại hội nghị Copenhagen nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

“Năm 2009 là năm chúng ta quyết định tương lai của hành tinh này. Đây là năm thế giới tán thành một chương trình hành động với quy mô lớn nhằm giảm thiểu lượng khí carbon trên toàn cầu. Đây là thời điểm đầu tư những phương thức phát triển kinh doanh mới trong một nền kinh tế ít carbon. Chúng ta phải cùng nhau bước qua ranh giới đó. Tất cả những hành động chúng ta thực hiện ngày hôm nay có thể thay đổi lịch sử và đảm bảo tương lai cho hành tinh này.”

Mạng lưới bảo tồn toàn cầu rộng khắp của WWF đã có hơn 30 nhóm hoạt động tại các quốc gia như Brazil, Hy Lạp, Ấn Độ, Peru, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ và Pháp sẵn sàng cho sự ra mắt của Giờ Trái Đất tại đất nước mình.

--hết--

Thông tin thêm cho người biên tập:
• Tại Châu Á: Hồng Kông sẽ thông báo chi tiết việc tham gia Giờ Trái Đất tại buổi họp báo vào ngày 14 tháng 12 trong khi Bắc Kinh chính thức làm lễ phát động Giờ Trái Đất ngày 15 tháng 12. Thông tin chi tiết xin liên hệ Chris Chaplin (tại Trung Quốc, tiếng Trung, và tiếng Anh) qua email: cchaplin@wwfchina.org hoặc King-yin Lee (tại Hồng Kông, tiếng Trung, tiếng Anh) qua email: kylee@wwf.org.hk
• B-roll và ảnh về Giờ Trái Đất có thể được tìm thầy tại www.earthhour.org/mediacentre
• Xin vui lòng tham khảo phụ lục để có danh sách đầy đủ về các thành phố và tòa nhà nổi tiếng đã cam kết tham gia vào Giờ Trái Đất 2009.

Để có thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Bà Nguyễn Anh Thư
Cán bộ truyền thông
WWF Chương trình Việt Nam
39 Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội
T: +84 43 710 3049 ext. 136
E: thu.nguyenanh@wwfgreatermekong.org

Về Giờ Trái Đất

Giờ Trái Đất là một chiến dịch toàn cầu của WWF về vấn đề thay đổi khí hậu. Các cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ và các cộng đồng được mời tham gia vào chiến dịch tắt đèn trong một giờ đồng hồ vào lúc 20:30 thứ Bảy, ngày 28 tháng Ba để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với những hành động chống lại sự biến đổi khí hậu. Chiến dịch lần đầu được tổ chức tại Sydney vào năm 2007 với sự tham gia của 2 triệu người. Năm 2008, hơn 50 triệu người trên toàn thế giới đã tham gia. Năm 2009, Giờ Trái Đất hướng tới con số 1 tỷ người tại 1,000 thành phố tham gia.

Về WWF
WWF là một tổ chức bảo tồn độc lập lớn nhất và được đánh giá cao nhất trên thế giới với gần 5 triệu người ủng hộ và có mạng lưới toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự suy giảm của môi trường tự nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn sự đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo là bền vững, và giảm sự ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí.

Trái Đất

Previous post Next post
Up