Tại sao bạn giả vờ gọi di động?

Nov 03, 2008 09:27

(SVVN) Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Công nghệ di động Anh quốc, có đến 42% phụ nữ và 32% đàn ông thừa nhận đã từng giả vờ lôi chiếc di động ra... nói chuyện một mình! Ở những người trẻ (từ 18-24 tuổi), tỉ lệ là 74%. Khi được hỏi nguyên nhân, phần lớn trả lời là chỉ để... giết thời gian khi chờ đợi ai đó. Một lý do khác được viện dẫn đến là để tránh bị bắt chuyện. Nhưng với các nhà khoa học, vấn đề không đơn giản thế.

Một cách thu hút chú ý

Bà Patricia Wallace, chuyên viên tâm lý của Đại học John Hopkins, cho biết nguyên nhân sâu xa của khuynh hướng này là để thu hút sự chú ý và gây ấn tượng với đám đông.

Ví dụ như khi bạn ngồi một mình ở một quán bar. Bạn dễ cảm thấy đơn độc, cách ly với những người xung quanh. Bạn sẽ nghĩ đến chuyện xoá bỏ ấn tượng đó bằng một liên kết vô hình được tạo nên từ một cuộc nói chuyện điện thoại (dù chỉ là giả vờ). Mặt khác, giả vờ nói chuyện điện thoại còn là một cách người ta trưng bày “dế”- một biểu tượng thời trang và cá tính.



Bà Wallace dẫn ra trường hợp ở những nước đang phát triển, người ta thậm chí còn mua di động giả để khoe ra trước mặt người khác. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở những nước giàu, chỉ khác thứ cần khoe ở đây không đơn thuần chỉ là chiếc di động mà là những giá trị thương hiệu kèm theo nó: iPhone, hay những “đồ chơi hàng hiệu” đắt tiền của Prada, Armani...
Đàn ông cũng hay sử dụng điện thoại di động để “giương vây” trước các cô gái hệt như cách loài chim khoe bộ lông sặc sỡ để quyến rũ bạn tình.

Cảm giác không an toàn

Với một số người khác, giả vờ nghe điện thoại là một cách để né tránh cảm giác chông chênh, không an toàn khi ở một mình.

Tim Olmeda, phóng viên trẻ 26 tuổi thuộc công ty Corpus Christi, Texas, chia sẻ: “Tôi không thể chịu nổi cảnh ngồi không một mình, hoặc chờ đợi ai đó mà chẳng làm gì. Đây là lúc tôi cảm thấy cần phải rút điện thoại ra. Mà thực ra tôi cũng chẳng muốn nói chuyện với ai. Tôi chỉ không muốn người ta nhìn thấy tôi đang một mình cô độc. Thậm chí cả trong cuộc trò chuyện với nhiều người, mỗi khi thấy không thoải mái, tôi lại rút điện thoại ra, bấm bấm bàn phím”.



Nguyên nhân sâu xa của biểu hiện này là chúng ta không cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với những người xung quanh. Đó còn là biểu hiện của sự sợ hãi. Cố giả vờ liên hệ với một ai đó là dấu hiệu của nỗi sợ khi phải đứng trên đôi chân của chính mình. Người ta không dùng điện thoại để chơi game hay làm bất cứ điều gì khác mà cứ phải giả vờ gọi điện cho một ai đó là vì thế.

Với phụ nữ, giả vờ nghe điện thoại đôi khi là phương cách để tự bảo vệ mình. Angele Serene, 23 tuổi, kể về một lần tại trạm xăng vào ban đêm, chỉ có mình cô và một người đàn ông trông rất đáng ngờ. Cô bèn lôi điện thoại ra và giả vờ nói chuyện với một ai đó cho đỡ sợ. Nhưng đúng lúc cô đang “nói chuyện” thì đột nhiên điện thoại của cô đổ chuông! Phụ nữ không cần phải xấu hổ khi gặp những hoàn cảnh giống như của Serene.

Thanh Hằng
(Dịch từ ABC)

điện thoại di động, tâm lý

Previous post Next post
Up