Những hy vọng muộn màng (phần 1)

Nov 22, 2005 15:40

Lâu rồi không viết truyện vì công việc làm cho đầu óc khô cằn đề tài hoa mỹ. Câu truyện này viết cũng lâu rồi, cũng đâu là 4 năm trước phỏng theo một hoàng cảnh gia đình của một người quen. Viết xong rồi bị mất đi nguyên bản nên làm biếng viết lại. Nói là phỏng theo có nghĩa là lấy khúc này rồi thêm văn thêm hoa để viết thành truyện, chứ không phải là cuộc đời thật của người bạn ấy.

Hôm nay ngồi nhà một mình, nhớ lại về hoàng cảnh gia đình ấy, cố nhớ lại những gì đã viết để cho các bạn cùng đọc. Trong quá trình viết lại, chắc có lẽ là không nhớ hết chi tiếc nên sẽ có thêm bớt, thay đổi chút ít tình tự của câu truyện.

1.

Ông Tám đi qua đi lại trước sân nhà, tay cầm điếu thuốc đang đốt cháy phân nữa, hút vài hơi và miệng lầm bầm vài câu văng tục.

"Đ.M, con với cái, bao năm nay lo làm lo ăn cho tụi nó được cái sung cái sướng," ông Tám ngừng câu nói ngang chừng, tay đưa điếu thuốc lên miệng, rít thêm một hơi dài. Ông định nói thêm gì nữa cho trút cơn giận đang sôi sùng sụt trong lòng nhưng có gì đó nghẹn ở cổ nên ông rít thêm vài hơi thuốc ngậm ngùi. Bà Tám từ trong nhà nhìn ra, lòng đau thoi thói, chậc lưởi rồi thở dài.

Gió đầu đông cuốn những chùm lá khô còn đọng lại trên nhành cây maple trước sân nhà nghe xào xạt. Lâu lâu một luồn gió mạnh làm rung rẩy cành để lá rơi lả tả xuống sân. Một màu trời xám xịt làm trong lòng đã đang phiền, ông Tám lại cáu hơn, đi qua đi lại nhanh hơn, chân giẩm lên đống lá vàng rải rác. Hút hết điếu thuốc trên tay, ông búng cái tàn vào trong đám lá rồi đem trong túi quần ra gói thuốc Marlboro, lấy ra một điếu mới diêm mồi lửa.

Bà Tám từ trong nhà đi ra, choàng cái áo khoát đỏ, tay cầm một cái áo lạnh đem ra cho ông. Thấy bóng bà Tám, ông Tám đứng lại, nhìn vào trong, rồi mắng.

"Bà vào nhà đi, trời lạnh ra đây làm gì cho thêm bịnh." Rồi như ra lệnh, ông quát thêm vài câu, "vô nhà đi, để tui ở ngoài này chờ nó được rồi."

Thương chồng, bà Tám không đối đáp gì với giọng điệu giận giử của ông. Bà đưa cho ông cái áo lạnh, rồi thỏ thẻ, "thì ông cũng phải lo cho cái thân ông chứ, trời chuyển gió, ông mặc thêm áo đây này." Nói xong, bà ho sù sụ, tay ôm miệng như cố giằng lại cơn ho táo bạo. Ông Tám cầm áo rồi đưa tay đở vợ khi bà khuỵ trước sân.

"Tui đã nói rồi, ngoài này lạnh, bà vào nhà đi," Giọng ông lắng xuống, gần như an ủi, cố nén cơn giận của mình để đưa bà vào nhà. Ông Tám đưa bà ngồi xuống sô pha, rồi lục trong tủ bàn chai dầu xanh, mở nắp, thoa dầu vào hai bên thái dương và cổ của vợ để xoa dịu cơn ho.

Hai vợ chồng ông Tám năm nay đã trong ngoài 60 tuổi, có 2 đứa con, một trai và một gái. Gia đình ông thuộc vào hàng khá giả trong cộng đồng Việt ở thành phố này. Nhưng để có được ngày hôm nay, hai vợ chồng đã làm đủ thứ việc, từ những khó nhọc đi sớm về khuya với công việc rửa chén cho một nhà hàng Tàu cho đến làm việc ca ba cho một hảng hóa chất sản xuất hàng nhựa theo kiểu assembly line(*). Gần hai mươi năm làm lụng vất vả, hai vợ chồng chỉ mong có một cơ sở kinh doanh nho nhỏ cho bà Tám khỏi vất vả vì sức khoẻ yếu thường hay mang bệnh trong người. Bao công lao khó nhọc cũng đem lại thành quả, số vốn gia đình giành dụm cũng đủ để mua lại một tiệm tạp hóa tại con phố có đông đảo người Á Châu.

Kinh doanh một tiệm tạp hóa không vất vả như những ngày làm mướn làm thuê nhưng đòi hỏi nhiều thời gian quản lý vì hai ông bà không mướn thêm người làm mà chỉ hai vợ chồng gồng gánh với nhau với sự giúp đở của hai đứa con khi chúng không vướn bận việc học hành. Sáng 8 giờ hai vợ chồng ra tiệm, bà đứng trước tiệm trông lo kẻ ra người vô kiêm luôn việc thu ngân. Ông Tám lo việc kiểm hàng, chạy hàng, và khuân vác khi có hàng mới về. Có nhiều khi công việc quần quật, đặc biệt trong những năm kế tiếp khi số dân cư người Việt định cư càng ngày càng đông, tiệm tạp hóa của ông bà Tám mở thêm giờ để đón nhận khách có nhu cầu chợ búa sao giờ tan sở. Nhiều khi đến 11 giờ khuya hai vợ chồng mới về đến nhà, chưa kể những ngày mùa đông, đường xá trơn trợt, tuyết rơi phủ đầy. Tối về hai vợ chồng lui cui đếm sổ sách đến khuya trước khi ngủ để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Với sức lao động và bao tâm huyết bỏ vào trong công việc, tiệm tạp hóa càng ngày càng có thêm thu hoạch và vài năm sau, ông bà Tám có đủ tài chánh để phát triển thêm rồi mở rộng diện tích kinh doanh. Tiệm tạp hóa nho nhỏ vài năm trước sau này trở thành một siêu thị với một đội ngũ người giúp việc. Ngày trước khi hai đứa con còn nhỏ, chúng thường quây quần ở tiệm theo chân cha mẹ trong những lúc rảnh, giúp tay vài việc nhỏ lúc cần thiết. Sau này khi thằng con lớn vào đại học, nó ít khi nào ra tiệm dù có ngày rảnh và dần dần xa lánh gia đình. Khi đứa con gái nhỏ bước qua tuổi 18, có thêm nhiều bạn bè xen lẫn việc học hành nên ông bà Tám cũng không đòi hỏi con ra giúp tiệm. Từ ngày có được một siêu thị hoành tráng, hai đứa con không xuất hiện thường xuyên ngoài những lần chúng đến để xin tiền tiêu xài. Thương con với những tháng năm vất vã khi còn cái tiệm nhỏ, ông bà không ngần ngại phân phát cho chúng tiền xài để không mất mặt với bạn bè cùng lứa.

Nghĩ đến đây, tim ông Tám đau nhói với một sai lầm lớn trong đời ông. Đưa tay vuốt mái tóc muối tiêu của vợ, ông nghẹn ngào.

"Thôi bà ngồi đây, đừng đi ra đường làm gì, trời lạnh thì cơn ho của bà tái phát." Giọng ông âu yếm, lòng bà cũng chùn xuống, cơn ho dịu lại theo lời nói ngọt ngào của chồng. "Tui ra ngoài hút điếu thuốc, chút nữa tui vô."

Nói xong, ông kéo chiếc mền choàng qua người vợ, nhẹ nhàng đưa bàn tay cằn cổi của mình vuốt tóc vợ một lần nữa rồi đứng lên bước ra sân. Một cơn gió đầu đông luồn vào nhà khi ông mở cánh cửa, sợ luồn gió lạnh làm vợ khó chịu, ông vội vàng bước ra thật nhanh rồi khép nó lại.

(Xin đọc tiếp phần 2 ở đây.)

(*)Assembly line -- ở Hoa Kỳ, các hãng xưởng sản xuất hàng hóa thường theo kiểu dây chuyền lắp ráp. Người này làm phần này và chuyển sang nhóm người khác để làm thêm phần khác mới có được sản phẩm toàn vẹn.

vietnamese, fiction

Previous post Next post
Up