Biết nói sao khi trong những khoảnh khắc không ngờ tới nhận đón trong cuộc đời, tôi bắt gặp những lời lưu luyến.
Khi tôi không thể sắp xếp được đống điểm chác giấy tờ và vội nói đùa rằng sẽ trả lại lớp cho một cô giáo khác - mà thật ra không phải nói đùa vì đó là sự hiển nhiên - một lời vang lên đừng bảo tôi bỏ chúng mà đi. Khi một người bạn cũ giờ chuyển nghề làm thầy giáo, nhắn rằng có học sinh cùng học tôi tại lớp dạy thêm mà tôi đã ngừng tới, và chúng kể tôi không còn xuất hiện cũng như thích tôi dạy chúng như thế nào. Là một phụ huynh lớp đọc khi tôi đã dứt áo ra đi đến mức muốn bật khóc vì nghĩ lại lúc đó lòng mình thật lạnh, nay vẫn phản hồi với chỗ làm sẽ chờ lớp mới của tôi.
Khi nhận những lời này, tôi luôn ngại ngần và xấu hổ, tôi không biết hồi đáp gì, vì thực ra vị trí của tôi ở tất thảy đều là tạm bợ, tôi không có trách nhiệm một cách hoàn toàn với những học sinh này, nếu theo nghĩa tôi phải đưa chúng tới chân một kỳ thi, hoặc đi hết một đoạn đường nào đó. Có lẽ với cả những học sinh tôi đang đồng hành hiện tại, tôi cũng để chúng lại trên một đoạn đường mới, nơi tôi không thể đi bên và sự vắng mặt của mình âu chừng sẽ làm chúng may mắn hơn. Tôi cũng nghẹn lại trong mình, vì tôi biết thật ra mình không hề giỏi, khi vội sắp xếp lời hay nói nhanh, khi không hay kể những chuyện buồn và thậm chí không biết kể chuyện cười, còn cái tật loay hoay mỗi khi sĩ số lớp không chia hết cho số nhóm tôi cần cho một hoạt động trong giờ. Trời ơi, nghĩ lại tôi là tập hợp một mớ hỗn độn những điều tệ nhất không nên có nhất ở một người giáo viên, vì thế tôi chẳng có lòng nào tự hào trước những lời lưu luyến này với vai trò người chỉ dạy.
Nhưng tôi nhận được điều gì, nghẹn ngào về điều gì khi bề ngoài cố tỏ ra rằng sự đổi thay và rời bỏ của tôi thật ra là sắp đặt sẵn. Có lẽ vì tôi gặp được các em, làm chặng đường chập chững tới trường đứng lớp của tôi vừa chông chênh vừa có cái khinh khoái của kẻ đi chông chênh. Không phải vì hiền lành, nhưng có phải ở bên cạnh những lời ngô nghê này cơ trán tôi không mấy khi nhăn lại, nó làm mềm ra đôi đồng tử mỏi mệt mỗi đêm khi tôi ngồi đếm những dang dở nhếch nhác của đời mình. Tôi biết mình là kẻ dễ hài lòng, nhìn vào một hai lời lưu luyến để bảo mình an ổn, nhưng nếu tin rằng mỗi lời đều là những dòng ghi lại sự gặp gỡ đẹp đẽ trong đời mình, dẫu rằng mỗi lời nói ra đều tan vào không trung thay vì nằm lại đâu đó. Cuộc đời của tôi, nếu rực rỡ và êm xuôi hơn, liệu có khi nào tình cờ đón được những ánh nhìn những lời như thế.
Tôi tin mình sẽ không khá khẩm hơn. Chính mặc cảm về sự đình trệ tương lai trong hai năm vừa qua khiến tôi không thể viết cho bớt cảnh trơn câu trượt chữ. Nhưng tôi là ai, là gì trong sự tồn tại này ngoài phân cảnh cô giáo mặc đầm dài, mỗi ngày tới lớp bắt đầu bằng “ngày hôm nay”, hơn ai hết tôi vẫn cần đôi lần cười giễu nhại trước câu thơ của Tố Hữu, vẫn nhìn về gốc cây táo đã bị chặt mất trên đường Phan, nơi bố bảo là nơi nghỉ lúc còn sống của nhà thơ; tôi vẫn từng là một đứa ngô nghê bị phê chưa hiểu hết thơ Hàn, để khi lần vào những trang triết học viết về cái chết, tôi ghi nhận được sự sống của kẻ ở lằn ranh là gì; tôi có thể không sẻ chia được với Xuân Diệu ở giọng dạt dào, nhưng tôi tin tuổi trẻ của mình cũng đôi lần muốn sống ngáng trở quy luật của đời như thế.
Có nghĩa là trước khi đến với các em, đến với tương lai không thể hoạch định thành nét của mình, tôi vẫn cần sống cái phần thân thể, tinh thần, cả mộng mị và buồn bã của tôi, để ít nhất tôi không nói với các em những điều trí trá, mà nói thành thật những xúc động, trải nghiệm cá nhân mình. Tôi nhìn nghề của mình như sự sẻ chia, dẫu đôi khi trầy trật cho khớp mình vào khuôn khung, thì nỗ lực của tôi vẫn là tạo ra những khoảng không chia sẻ như thế, trên văn bản, trong dấu chấm kết bài, trong những lời ghi bằng mực đỏ tôi không tiếc thời giờ sắp câu đắp vần.
Tôi không biết mình sẽ sắm vai gì cho phải trong thời đại này, khi có quá nhiều chấn sang sẽ va đập và vùi nát lựa chọn sống của mình. Chưa kể, sự mơ mộng, sống lưng chừng nửa vời, không quyết liệt quá cũng chẳng ơ hờ quá sẽ dẫn tôi qua cơn bĩ cực này bằng cách nào. Chừng ấy lo âu dồn lên cơn đau nửa đầu làm nó gần như tê liệt mỗi khi tôi với tay khẽ chạm vào gáy. Tôi không thể sắp xếp những hỗn độn bằng tay, bằng trí óc bởi như vậy sẽ dẫn tới những hành xử duy lí, nhưng bằng cảm xúc và linh cảm ư, chừng đó có quá liều lĩnh để đối mặt với những điều tối trọng trong đời.
Và thế là tôi lại ngồi đây, trong quán cafe quen thuộc vào một buổi sớm thứ 7, đếm ngày dài trong một tờ note ghi lại những việc cần làm. Chỉ có thể thế, tích dấu vào từng việc đã hoàn thành, để khi tất thảy được gạch khỏi trang, tôi sẽ lại lên giường xem một bộ phim non nửa phụ đề hoặc đọc nốt quyển bình luận thơ đã 2 tuần nay mới ngốn được phân nửa. Chừng ấy âu lo lại xếp sang mai, để rồi một khoảnh khắc nào đó trong ngày tôi lại chìm vào hoang mang và khủng hoảng như thể sắp sửa đón tất cả rơi trúng đầu. Vòng lặp này vừa nuôi dưỡng tôi trong việc nhận thức những giới hạn bản thể, vừa đẩy tôi vào sâu những cơn mị huyền mà không có chúng đời thật cộc cằn.
Mùa hè đã đến khi tôi chấm hết dòng, cứ thử nhìn ra ngoài mà xem khi đã đi đến tận đây. Và tôi không khác gì người ngủ trưa trên con đèo mùa trước, như anh sinh viên Sanshirõ lạc vào một mớ những va đập đức tin nhưng vẫn khư khư ôm lấy ngây thơ trong mình.