Did you get enough love, my little dove? Why do you cry?
Nov 13, 2021 09:55
Quét quét, phủi phủi... Một ngày quay lại chốn cũ giật mình thấy cả đống bài linh tinh pót từ 10 năm trước nổi lên. Hồi đó dịch xong thấy xấu hổ quá nên để date năm 2020 vì nghĩ chắc chả bao giờ viết blog được đến lúc ấy. Quay trước quay sau thế mà cũng đến lúc ấy thật. Thậm chí là đã qua cả lúc ấy rồi =))
Nay ngoi lên chỉ để cập nhật rằng mình vẫn sống, sống khỏe. Mình vẫn kịp dịch được một bài phỏng vấn của Sufjan Stevens nhân dịp sinh nhật vừa rồi. Vốn định dịch xong để đấy vì phần mở đầu hơi trúc trắc, chưa biết xử lí câu từ ra sao. Nhưng hôm qua đọc lại thấy ngoài phần mở đầu ra thì nhiều đoạn khá tâm đắc. Nội dung đối thoại tương đối dài, nhưng nó có những góc nhìn mà mình tin, nếu ai rơi vào hoàn cảnh tương tự, chắc chắn phần nào sẽ tìm được sự ủi an.
Sau 15 năm khai phá hình ảnh cá nhân thông qua nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, Sufjan Stevens đã tạm chia tay những nghi thức cầu kỳ với album “Carrie & Lowell”, một nỗ lực lấy lại cân bằng sau nỗi đau về cái chết của mẹ anh.
Gần phòng thu của Sufjan Stevens ở Brooklyn, một tấm biển lớn treo trên giàn giáo tòa chung cư cao cấp đang thi công, hứa hẹn “bảo toàn lịch sử nhưng sẽ làm đổi thay ý nghĩa”. Lời quảng cáo nhằm thu hút sự phù phiếm của những kẻ sẵn sàng chi trả 5 triệu đô la cho một căn hộ, một lối nói giảm nói tránh cho quá trình đổi mới đô thị hiện đương diễn ra ồ ạt ở mức độ mạnh mẽ nhất. Trong một ngữ cảnh khác, những lời trên có thể đem lại cho ta một cảm giác trang nghiêm kì lạ. Khi tôi thuật lại chúng cho Stevens, anh cười nhẹ và nói: “Đó có thể trở thành nhan đề cho cuốn tự truyện của tôi”. Trong suốt 15 năm qua, Stevens đã pha trộn câu chuyện đời mình với một loạt những hình ảnh và giai thoại tưởng tượng - từ Kinh thánh, thần thoại Hy Lạp đến truyện ngụ ngôn Mỹ, tạo nên một lối làm nhạc riêng biệt trong thế kỷ 21. Tuy lối đi này khiến anh trở thành một trong những nhạc sỹ hay nhất trên thế giới, nó cũng tạo nên những lối mòn cá nhân. “Trí tưởng tượng của tôi có thể là vấn đề”, anh nói. “Tôi có nguy cơ khiến đời mình, gia đình mình, và toàn bộ thế giới quanh mình đắm chìm trong những thần thoại về vũ trụ, và sẽ là không công bằng nếu ta cứ cố lợi dụng những sự thật khắc nghiệt trong cuộc sống vào công cuộc chinh phục hình ảnh. Đó là nỗ lực đào bới ý nghĩa, và nói cho cùng, cái mà tôi theo đuổi vẫn luôn là: Những trải nghiệm này thực sự có nghĩa lý gì?”. Album phòng thu thứ 7, “Carrie & Lowell” một lần nữa pha trộn thực tế và tưởng tượng, mặc dù nó thể hiện những khuynh hướng xa rời hiện thực của người nghệ sỹ theo cách vô cùng tối giản. Xét về mặt âm nhạc, đây là album mộc mạc nhất của anh, hầu hết các ca khúc đều sử dụng guitar hoặc piano chơi theo lối acoustic cùng với cách hát tựa như những lời thì thầm hư ảo của Stevens. Một album vắng bóng tiếng trống, âm thanh khuếch đại của dàn nhạc giao hưởng hay sự phấn khích đến từ những thanh âm điện tử. Khi miêu tả về album này, Stevens đã đùa rằng đây là những âm thanh “dễ nghe”, dù chúng gợi nhớ đến cảm giác buồn bã nặng nề trong âm nhạc của Nick Drake hay Elliot Smith thời kỳ đầu hơn là James Taylor. Và mọi việc sẽ chẳng hề đơn giản hay nhẹ nhàng nếu bàn đến chủ đề xuyên suốt, cái chết của mẹ Stevens vào tháng 12, năm 2012. “Tôi đã trưởng thành hơn nhiều sau mấy năm qua”, người nhạc sỹ-ca sỹ 39 tuổi bộc bạch khi ngồi ở căn phòng khiêm tốn nhìn ra sông Đông trong một ngày đầu tháng có nắng nhưng u ám. Dù vài chuyện buồn trong đời và sự tối giản trong album mới khá hợp với khung cảnh này, diện mạo của anh trong ngày hôm nay không cho thấy điều ấy, chiếc mũ beanie màu xanh da trời, giày sneaker đỏ và chiếc áo khoác sáng màu khiến anh trông có thể trẻ hơn thực tế đến 10 tuổi. Nhạc cụ và thiết bị phòng thu bày ngổn ngang trong phòng, Stevens đã một mình ghi âm “Carrie & Lowell” trong suốt mùa hè cùng với tiếng kêu phát ra từ chiếc điều hòa, và một vài tác phẩm nghệ thuật rẻ tiền như album debut vào năm 1977 của biểu tượng âm nhạc Công giáo Amy Grant treo trên tường, một chiếc vòng hula hoop viền vàng kỷ niệm cho dự án đa phương tiện anh đã hợp tác gần đây cùng Viện Âm nhạc Brooklyn, một cuốn sách gồm toàn ảnh thẻ trao đổi Garbage Pail Kids. Một tấm bảng trắng bên trên là bức vẽ xoàng xĩnh minh họa một chữ I và một chữ U ở hai bên, nằm giữa là một trái tim. Đoạn anh đề nghị cho tôi xem bộ sưu tập tem thời thơ ấu, tôi nghĩ anh đùa, nhưng không, anh nói thật. Bên trên máy tính là những tập file màu đen chứa những tấm ảnh của chính anh. Một vài shot hình từ chuyến đi mới đây đến Oregon cho thấy khung cảnh thiên nhiên mờ sương, những nhánh cây cong và phía xa là hình ảnh một cặp đôi. “Có hàng nghìn tấm giống như vậy”, anh ngập ngừng “Những tấm ảnh mà bà anh có thể sẽ muốn lưu giữ”. Một vài địa danh ở Oregon đã xuất hiện trong “Carrie & Lowell”, nơi mà Stevens đã trải qua ba mùa hè, từ lúc 5 tuổi đến khi 8 tuổi, cùng với mẹ và bố dượng của mình. Đó không chỉ là những ký ức quan trọng mà còn là những cột mốc định hình nên cuộc đời Stevens, chúng đích xác là những mảnh ký ức duy nhất mà anh có về mẹ mình, người đã từ bỏ gia đình khi anh mới 1 tuổi. Đám cưới kéo dài 5 năm của bà với Lowell Brams vào đầu những năm 80 đã đẩy cuộc sống khó khăn lên đến đỉnh điểm, Carrie mắc chứng trầm cảm, nghiện rượu, liên lạc của bà với Stevens và anh em anh - vốn lớn lên ở Michigan cùng bố và mẹ kế, diễn ra ngắt quãng cho tới khi bà qua đời. Nhưng đã có những mùa hè như thế. “Khoảng thời gian hạnh phúc nhất là khi chúng tôi có tụi trẻ bên cạnh”, bố dượng anh, Brams, nay đã 63 tuổi nhớ lại, ông đã cố gắng giữ liên lạc với gia đình Stevens ngay cả sau khi ông và Carrie đã ly hôn, và giờ ông là giám đốc hãng đĩa Asthmatic Kitty của Stevens. “Tụi trẻ như những chú cún con bên cạnh cô ấy, chúng thực sự yêu quý mẹ mình”. Tuy vậy , “Carrie & Lowell” không phải là một album ủy mị. Steven đã thể hiện những tổn thương và khúc mắc trong mối quan hệ với mẹ, cùng những dư chấn đau buồn từ cái chết của bà, bằng ca từ nên thơ, nhưng chân thực. Anh hát về ý định tự sát, về niềm hối tiếc, về bạo lực, khủng hoảng, về bệnh viện, bóng đêm, sự liều lĩnh và cả máu. Giống như những gì anh cầu xin trong album “Con chỉ muốn được gần người”, đó chính là cốt lõi trong toàn bộ câu chuyện về đời anh. “Đối với album này, tôi cần tách bản thân mình ra khỏi môi trường gồm những niềm tin tự tạo”, anh nói, trong lúc chỉnh lại giày. “Đó là điều tôi cần làm sau cái chết của mẹ, theo đuổi sự tĩnh lặng bình yên, trong đau khổ. Đó không phải là nỗ lực để nói lên một điều gì mới mẻ, để chứng tỏ, hay sáng tạo bất cứ thứ gì. Thật tốt khi cảm nhận mọi thứ ở mức độ giản đơn. Đó không phải là một dự án nghệ thuật, đó là cuộc đời tôi”. P: Anh cảm nhận ra sao về mối quan hệ của mình với mẹ trong quá trình trưởng thành? SS: Bà rời đi khi tôi mới 1 tuổi, nên tôi không có ký ức gì về cuộc hôn nhân của bà với bố tôi. Chỉ đơn giản là bà đã bỏ đi. Bà cảm thấy mình không đủ khả năng để nuôi chúng tôi, nên bà để lại chúng tôi cho bố. Khi tôi lên 5 thì Carrie kết hôn cùng Lowell. Ông làm việc trong một cửa hàng sách ở Eugene, Oregon và chúng tôi đã ở đó ba mùa hè, ấy là khi tôi được gặp bà nhiều nhất. Nhưng sau khi bà và Lowell chia tay thì chúng tôi không còn liên hệ thường xuyên với nhau nữa. Thỉnh thoảng bà sẽ ở nhà của ông bà ngoại và chúng tôi sẽ đến thăm bà vài ngày vào kì nghỉ lễ. Cũng có lúc chúng tôi gửi thư cho nhau. Có một giai đoạn chúng tôi mất liên lạc với bà, bà trở thành người vô gia cư và phải ở trong nhà trợ cấp. Chúng tôi thường sẽ phỏng đoán, giả dụ như “Mẹ đang ở đâu nhỉ? Mẹ đang làm gì nhỉ?”. Khi còn bé, tôi thường phải dựng nên những câu chuyện tưởng tượng, tôi luôn có mối liên hệ lạ lùng với những giai thoại về Carrie, cũng bởi tôi có quá ít ký ức về việc sống bên bà. Luôn có những cách biệt giữa thời gian, mối quan hệ của tôi với bà, và niềm khao khát được hiểu bà và ở gần bà. P: Anh đã bao giờ gọi bà là “mẹ” chưa? Hay anh luôn gọi bà bằng “Carrie”? SS: Chúng tôi luôn gọi bố mẹ bằng tên: Carrie và Rasjid. Tôi cũng không rõ tại sao. P: Carrie là người như thế nào? SS: Bà thực sự là một người mẹ tốt, theo như lời Lowell và bố tôi. Nhưng bà phải chịu đựng chứng trầm cảm và u uất. Bà bị rối loạn lưỡng cực và là một người nghiện rượu. Bà cũng lạm dụng khá nhiều thuốc. Bà đã chịu nhiều đau khổ, dù vì bất cứ lí do nào. Nhưng khi chúng tôi ở với bà thì bà luôn ở trạng thái ổn định nhất, bà rất ân cần và yêu thương chúng tôi, bà cũng rất hài hước và sáng tạo nữa. Phần miêu tả về bà luôn gợi tôi nhớ đến những gì người ta quan sát thấy trong nghệ thuật của tôi: nỗi buồn sâu sắc pha trộn cùng thứ gì đó sống động, sáng tạo và đầy ưu tư. P: Vì bà không thường xuyên ở cạnh anh, anh cảm nhận thế nào về bà khi là một đứa trẻ? SS: Tôi đã sớm nhận thức được rằng bà mắc chứng trầm cảm và nghiện rượu. Vì cả bà và bố tôi đều nghiện rượu và việc lạm dụng hóa chất đã có tiền lệ trong gia đình tôi, khi bố tôi tỉnh táo và bắt đầu đi đến Alcoholics Anonymous, chúng tôi cũng cùng đi đến các buổi gặp giải thích về 12 bước điều trị nên chúng tôi cũng có thể cùng tham gia vào qua trình hồi phục của ông. Chúng tôi có thể sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, cẩn trọng để miêu tả một người đang đương đầu với việc nghiện ngập. Chúng tôi có thể nói về việc Carrie ở trong nhưng những môi trường như vậy, và có những tình bạn để nương tựa trong văn hóa đó. Nhưng tôi nhớ rằng mình đã cảm thấy hơi xấu hổ khi phải đi đến các buổi thảo luận Alateen, tôi không uống rượu cho đến khi đủ tuổi. Đó là một vết nhơ trong gia đình. P: Anh có ở cạnh Carrie khi bà qua đời không? SS: Có. Bà bị ung thư dạ dày, cái chết đến nhanh chóng. Chúng tôi bay đến thăm bà trong phòng ICU khi bà chuẩn bị qua đời. Bà vẫn tỉnh táo, dù rất đau đớn, và phải dùng nhiều thuốc. Việc phải đối diện và chấp nhận cái chết, trong khi phải bày tỏ tình yêu với một người xa lạ thực sự đáng sợ. Cái chết của bà khiến tôi suy sụp bởi sự trống rỗng bao trùm. Tôi cố gắng gom góp tất cả những gì tôi có về bà, trong tâm trí, trong ký ức, trong hồi tưởng, nhưng tôi không có gì hết. Nó khiến tôi cảm giác không thể chữa lành. Trong tôi là niềm tiếc nuối, đau khổ và tức giận sâu sắc. Tôi đã đi qua tất cả giai đoạn của cảm giác thương tiếc. Nhưng tôi muốn nói rằng hãy sửa chữa khi còn có thể, hãy tận dụng cơ hội để làm lành với những người bạn yêu thương hoặc những người đã làm tổn thương bạn. Điều tốt nhất bà có thể làm cho chúng tôi là rời đi. Chúa phù hộ bà vì đã làm như thế và vì đã hiểu những gì bà không có khả năng làm được. P: Đó là một cách nhìn rất “zen”. SS: Tình yêu là vô điều kiện và không thể lí giải. Tôi tin rằng ta vẫn thể yêu thương dù thiếu đi sự thấu hiểu đến từ hai phía. P: Cho đến cuối cùng thì anh có cảm nhận sự gần gũi nào với bà hay không? Hai người có nói chuyện với nhau không? SS: Chắc chắn rồi. Ở thời điểm đó, tôi chỉ mong muốn được nói những lời yêu thương, một cách vô điều kiện, dành cho bà. Giữa chúng tôi đã có một tình yêu và sự quan tâm sâu sắc đến từ cả hai phía. Điều đó vừa thiêng liêng, lại vừa có có tính xoa dịu. Nhưng những dư chấn để lại thì thật kinh khủng, hậu quả về mặt cảm xúc từ cái chết của bà kéo dài hàng tháng trời sau đó. Nó gần như đã phá hủy tôi, dù tôi không tài nào hiểu nổi nó. Trong quá trình viết album này, tôi đã theo đuổi việc tìm kiếm một ý nghĩa, một sự công bằng, sự hòa giải. Dù điều đó không hề vui vẻ. P: Xét trên mối quan hệ xa cách giữa hai người, anh có thấy bất ngờ không khi cái chết của bà lại tác động mạnh đến anh như vậy? SS: Có chứ. Đã có lúc, tôi khắc kỉ, lãnh đạm và thực tế, nhưng vài tháng sau đó thì tôi trở nên điên loạn, bất an, khinh mạn và giận dữ. Họ luôn nói về quá trình hàn gắn cảm giác tiếc thương, và luôn có một hình mẫu, vòng tròn có thể đong đếm được của nỗi đau khổ, nhưng trải nghiệm của tôi không tuân theo bất cứ quỹ đạo tự nhiên nào. Nó rất thất thường và khó đoán. Có những giai đoạn tôi sống trong sự khắc nghiệt không cảm xúc, rồi nỗi buồn thương sâu sắc ập đến chỉ vì thứ gì đấy thật bình thường, như xác một chú chim bồ câu chết trên đường ray tàu điện. Hoặc cháu gái tôi chỉ vào một người mặc quần tất chấm bi trên sân chơi và tôi bất chợt cảm thấy nỗi dằn vặt vô biên ngay giữa chốn công cộng. Cảm giác đó rất kỳ lạ. Tôi bị rối loạn cảm xúc và tuyệt vọng vì những thứ mà tôi không thể nào theo đuổi được nữa liên quan đến mẹ mình, nên tôi đã cố gắng kiếm tìm chúng ở những nơi khác. Có những khoảnh khắc mà một phần trong tôi cảm giác như đang bị chiếm hữu bởi linh hồn bà và đã có những hành vi phá hủy gây ra bởi sự chiếm hữu ấy. P: Làm thế nào mà những hành vi ấy lại xảy ra? SS: Ồ, thật khó để giải thích chuyện gì đã xảy ra. Nó giống như một áp lực, một ma trận hoặc thứ gì tương tự như thế. Tôi bắt đầu tin rằng tôi có khuynh hướng thừa hưởng những hành vi phá hủy từ bà. Tôi nghĩ khuynh hướng ấy là một sự nổi loạn, hoặc nó là một cách để tôi… a, thật kinh khủng, có lẽ tôi cần phải đi trị liệu tâm lý. Sau cái chết của mẹ, tôi khao khát muốn được ở cạnh bà, cảm giác như việc lạm dụng thuốc, chất có cồn, gây rắc rối, trở nên liều mạng bất chấp hiểm nguy là một cách để tôi tiến gần lại với bà. Nhưng tôi đã nhanh chóng học được rằng: ta không cần thiết phải cầm tù bản thân trong nỗi đau, và dù ta có sống trong một gia đình không toàn vẹn, ta vẫn có khả năng làm chủ cuộc đời mình. Tôi đã nhận ra tôi không bị chiếm hữu bởi bà, hay bị cầm tù bởi căn bệnh tâm lý của bà. Chúng ta thường chỉ trích cha mẹ mình vì những khó khăn, vì thế này hay thế khác, nhưng đó là sự tác động lẫn nhau. Việc làm cha mẹ là một sự hi sinh đầy thiêng liêng. P: Sự nổi loạn anh đang nói đến nghe từa tựa như sự nổi loạn của tuổi dậy thì? SS: Vui vẻ, tán tỉnh yêu đương khi đã 40 tuổi! (Cười) Thỉnh thoảng tôi cũng thấy mình giống như cậu trai 14 trong thân xác 40 tuổi. Khi còn bé tôi không phải là một đứa trẻ nổi loạn. Tôi rất ngoan ngoãn và cư xử đúng mực. Nhưng những hành vi (phá hủy) ở tuổi tôi hiện tại là không thể tha thứ. P: Mối quan hệ của anh với bố như thế nào khi mẹ không ở bên? SS: Nói thật thì anh chị em tôi lớn lên như những khách thuê trọ trong gia đình. Chúng tôi hoàn toàn thiếu vắng cảm giác thân mật dù rằng khi còn nhỏ, chúng tôi cũng khá gắn bó. Mọi thứ luôn được sắp xếp để đảm bảo kinh tế, và mọi thứ phải như thế bởi chúng tôi rất nghèo và gia đình thì đông người. Bố và mẹ kế của tôi chưa bao giờ có một công việc ổn định. Chúng tôi chỉ đủ sống qua ngày. Luôn có những quy định và phân công việc nhà, nhưng rất ít thời gian để có thể vui vẻ cùng với nhau. Tôi không rõ rằng cách nhìn lí tưởng về gia đình như thế có phải là do chủ ý hay không nhưng điều mỉa mai là người đem lại cho tôi nhiều cảm giác thân thuộc với cha nhất lại là Lowell, người đàn ông không hề có quan hệ máu mủ gì với tôi. P: Bố anh vẫn còn sống đúng không? SS: Đúng. Nhưng chúng tôi không gần gũi với nhau mấy. P: Bố và mẹ kế của anh có bắt anh theo đạo Thiên Chúa khi anh còn nhỏ không? SS: Không, chúng tôi không tin lắm vào tôn giáo. Chúng tôi có đi đến nhà thờ Giám lý, nhưng đó là vì ảnh hưởng của bà cố tôi. Tôi từng là người phụ lễ đảm nhiệm việc thắp nến trong nhà thờ, một công việc thực sự rất thú vị. Khi còn bé, tôi từng mơ mình sẽ trở thành cha sứ hoặc người truyền giáo, rồi tôi sẽ đọc và học Kinh thánh, cả gia đình sẽ lắng nghe tôi đọc một đoạn kinh từ sách Tân Ước trước mỗi bữa ăn và họ sẽ miễn cưỡng làm theo lời tôi. Tôi cảm thấy rất hứng thú với ước mơ ấy, một vài những trải nghiệm tâm linh và giới tính sâu sắc nhất với tôi đến từ trại hè Giám lý. P: Giống như các tác phẩm trước của anh, album này cũng ám chỉ khá nhiều đến thần thoại và đạo Thiên Chúa. Đức tin có ý nghĩa gì với anh ở thời điểm hiện tại? SS: Tôi luôn miêu tả bản thân là một tín đồ đạo Thiên Chúa, tình yêu của tôi với Chúa cùng mối quan hệ của tôi với Người là cơ bản, nhưng việc tôi thể hiện và thực hành chúng trong cuộc sống thay đổi liên tục. Đúng là Thiên Chúa giáo và nhà thờ là một trong những thế lực có sức phá hủy lớn trong lịch sử và sự biến tướng của niềm tin tôn giáo diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng điều độc đáo về đạo Thiên Chúa là nó hoàn toàn không cố định và không giới hạn mình trong văn hóa, địa điểm hay bất cứ thứ gì. Nó cực kỳ linh động. P: Điều anh nói chẳng phải đều có thể áp dụng cho hầu hết các tôn giáo sao? SS: Đúng, nhưng cũng có một vài tôn giáo mang tính văn hóa và đòi hỏi sự tuân thủ theo một địa điểm hay quy tắc nào đó. Chúng ta đang sống trong một xã hội “hậu-Chúa”. Hãy trân trọng điều ấy! (cười) P: Rất nhiều người đang làm thứ nhạc folk giống như bản thu này, nhưng hầu hết chúng lại không thực sự mang nhiều ý nghĩa, đối với âm nhạc, sự cực đoan đến trần trụi về cảm xúc như thế này có thể xem như một yêu cầu bắt buộc. SS: Đúng. Nó giống như là: Đừng nghe album này nếu bạn không thể đối mặt với thực tế nó thể hiện. Ở đây, tôi đang rất thẳng thắn về những trải nghiệm tồi tệ của cuộc đời mình, nhưng tôi vẫn luôn hi vọng mình có thể chịu trách nhiệm với tư cách một nghệ sĩ và có thể tránh nuông chiều bản thân trong nỗi đau khổ và gây sự chú ý bởi điều đó. Tôi không muốn người nghe “đồng lõa” với những đoạn ca từ dễ gây tổn thương về nỗi đau, tôi chỉ muốn trân trọng trải nghiệm. Tôi không phải là nạn nhân, tôi không yêu cầu sự thương hại. Tôi không oán trách bố mẹ mình, họ đã làm hết những gì họ có thể. Trong trường hợp xấu nhất, những bài hát này có vẻ như đang dung túng (cho khổ đau). Tốt hơn là chúng sẽ hiện diện như minh chứng cho một trải nghiệm mang tính phổ quát: tất cả chúng ta đều đau khổ, cuộc sống là một nỗi đau, và cái chết là dấu chấm hết cho trải nghiệm đó, nên hãy học cách đương đầu. Tôi nghĩ rằng chúng ta đều có thể đương đầu với đau đớn và chịu đựng bằng cách sống trọn vẹn và trung thực với bản thân. Dẫu rằng tất cả có vẻ như chỉ là những lời vô vị sáo rỗng. P: Anh có nghĩa rằng môi trường trưởng thành khiến anh không muốn có con không? SS: Chắc chắn. Ý tôi là, tôi có cháu gái và cháu trai, và có một chú ý rõ ràng trong cách chúng được nuôi dạy. Anh trai tôi có một con gái, cháu là con một, rất đáng yêu, cởi mở và hoạt bát. Một đứa trẻ giàu sức sống, biết sử dụng iPad, iPhone, mới 4 tuổi nhưng đã thông thạo về Internet hơn cả tôi. Cháu được sống cùng những người yêu quý cháu. Hai chúng tôi rất thân thiết với nhau.