Huế - Quảng Bình 2015.04~05 (Phần 2)

Jul 07, 2015 23:21


kể tiếp chuyện cũ.


Sau khi chơi Highwire và Zipline, cả bọn kéo nhau về phòng, đến lúc này mới thấy thấm mệt sau một hồi hăng say đu mình trên không :))

Trong khi mình với hibi ăn tạm mỗi đứa một cốc mì, thì hina chỉ cần uống mỗi cốc cafe là xong bữa trưa, cả nhóm thu dọn hành lý để tiếp tục lên đường, di chuyển tới làng cổ Phước Tích cách đó khoảng 30km.

Từ Alba đi ra, có 1 ngã ba, mà rẽ trái là đi về phía Hòa Mỹ, rẽ phải là ra đường quốc lộ. Tụi mình đã chọn rẽ phải. Không thể ghé qua Hòa Mỹ, là điều tiếc nuối lớn nhất trong chuyến đi này. Nhất là khi mình đã ở rất gần Hòa Mỹ, chỉ còn cách có 4km nữa mà thôi. Haiz~ hẹn dịp khác, rồi sẽ có ngày quay trở lại.




Mình khá thích con đường từ Alba ra đường quốc lộ. Đường vừa mới làm, nên rất bằng phẳng, đi rất bon, đã vậy, hai bên đường còn rợp bóng cây, dù đi giữa trưa hè, nhưng cũng không quá nắng nóng,



đường đi, có nhiều đoạn rợp bóng thông, nhưng tiếc là ko có chụp lại hình, nên đành post tạm ảnh chụp đoạn đường cây thấp lùm xùm ^^

Cũng nhờ đường rộng thênh thang, phóng thoải mái, nên kết quả là chưa đầy nửa tiếng đã tới nơi, khá nhanh đấy chứ, 30 phút vượt 30 cây số ^^

Nếu bạn hỏi ở làng cổ có gì vui, thì xin thưa là chẳng có gì vui hết. Thế nhưng mình nhất định sẽ còn quay trở lại, vì mình thích không khí nơi đây.

Làng cổ Phước Tích được bao quanh bởi sông Ô Lâu. Các nhà trong làng được phân cách với nhau bởi những rặng cây xanh rì. Con đường chính trong làng được lát gạch đỏ, nếu có lạc thì cứ đi theo con đường đó, đi đủ 1 vòng là sẽ ra tới cổng làng.





Và mình thì chỉ cần ngồi bên bến sông ngắm mây trôi, nhìn nước chảy, nghe cây hát rì rào, rì rào, cũng đã thấy đủ lắm rồi. Chẳng cần bất kỳ trò vui nào khác.




Mình đã bỏ qua chiến khu Hòa Mỹ, vì không có đủ thời gian, mình đã phóng như điên trên đường, tranh thủ từng phút, từng giây, nhưng rồi sau đó, 3 đứa mình đã ngồi cả tiếng bên bờ sông Ô Lâu. Ừ, chỉ ngồi chơi vậy thôi.

Ngồi bên bờ sông Ô Lâu, và hát vang câu hát "Đoàn vệ quốc quân, một lần ra đi, nào có mong chi đâu ngày trở về. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi, ra đi, thà chết không lui~"

Nhìn mấy cây lau bên sông, lại nhớ bài ca "Sông Ô Lâu bền gan đánh giặc" của Quỳnh sơn ca.

Miệng khẽ nhẩm 2 câu hát "Sông Ô Lâu trắng đôi bờ tóc lau, hát lời thề chiến đấu đến bạc đầu"





Thực muốn ngắm nhìn con sông Ô Lâu đoạn chảy qua chiến khu Hòa Mỹ, liệu giờ nơi đó có còn "đôi bờ trắng tóc lau"?
Khúc sông chảy qua Phước Tích, chẳng có mấy lau, có chăng chỉ toàn sậy mà thôi.



Dẫu vậy, mình vẫn thấy yêu khúc sông này kinh khủng.
Lúc ngồi nghỉ bên bến sông, bắt gặp cảnh một gia đình bên kia sông mang xô ra múc nước sông về sử dụng, rồi người phụ nữ cầm xô đứng một bên chờ người đàn ông giũ áo dưới sông, bỗng thấy có chút xôn xao.
Dòng nước mát lành và sạch sẽ. Dòng nước chảy qua mảnh đất họ sinh sống, dòng nước hẳn cũng chính là một phần cuộc sống của họ.

Một ngôi làng yên bình, nằm ngoại vi thành phố Huế, ngay sát Quảng Trị, vì quá xa xôi, nên thường bị du khách tới Huế bỏ qua. Nhưng nếu có thể, hãy ghé làng cổ Phước Tích và nghỉ lại nơi đây nha bạn, mình tin là bạn sẽ không thất vọng ^^

Rời Phước Tích, 3 đứa di chuyển theo đường quốc lộ 49B về phía cầu Tam Giang. Quãng đường đi ước tính hơn 40km.

Gọi đường quốc lộ nghe thì oai, chứ thực ra nó cũng chỉ như cái đường làng thui à, bé bé, xinh xinh ^^

Thi thoảng uốn éo, đi xuyên qua khu dân cư, còn phần lớn là đường cái, chạy giữa 2 cánh đồng, gió đồng thổi tứ bề, mát rượi, vì đi đúng vụ gặt nên nghe thoảng trong gió là hương lúa chín, mùi rơm thơm nồng dưới nắng. Hai bên đường, bà con ra sức hăng say lao động, nào gặt, nào đập, nào say, nào sàng. Một khung cảnh vô cùng sinh động.

Vậy nên bạn hibi ngồi sau cứ thế mà ra sức chụp, bạn ấy chụp nhiều lắm, mà ảnh nào cũng đẹp, mình up không xuể, nên là up tượng trưng thôi a :)
Vàng ruộm nè ^^







"Người ta thường ví tỉnh Thừa Thiên như cái đòn gánh, cái đòn gánh, dài gần trăm cây số. Một bên là biển, một bên là núi, giữa là dải đồng bằng hẹp. Nhiều quãng hẹp đến nỗi tưởng chừng người đứng trên núi gọi thật to, người đứng dưới bờ biển cũng nghe tiếng."
trích Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán

Quãng đường mình đi chưa hẳn là quãng hẹp mà Phùng Quán nói, nhưng nó cũng khá đặc biệt, khi kẹp giữa một bên là sông, một bên là biển

Bên phải con đường là cánh đồng lúa vàng ươm (bên phải cánh đồng lúa chính là phá Tam Giang)
Bên trái con đường là một đoạn sông (hoặc cũng có thể là một con kênh, cũng chả biết phải gọi là gì cho đúng)
Cạnh con kênh là một ngọn đồi thấp, trắng màu cát phủ. Và phía sau đồi chính là biển.
Đi trên đường, vừa nghe mùi lúa chín thoang thoảng vừa nghe mùi biển mặn mòi. Cánh đồng lúa vẫn chín vàng giữa một bên nước mặn (biển) một bên nước lợ (phá Tam Giang), kể cũng thú vị ha ^^




À, xin giới thiệu, cái xe tải chở gỗ phía trước - địch thủ trên đường đua. Xe to kềnh càng nhưng cứ đi nghênh ngang giữa đường, chẳng chịu nhường đường cho ai hết, xin vượt nó cũng ko cho vượt, bố láo không chịu được. Đã thế chốc chốc lại xịt khói đen xì, làm mình muốn áp sát tìm cơ hội vượt cũng không dám. Phải lặng lẽ theo sau đít nó suốt một đoạn đường dài, tiêu hao quá trời thời gian vì cái xe gỗ mất dạy =.=

Phía bên ngọn đồi, người ta sử dụng đất để xây cất mộ phần, mỗi ngôi mộ là một tác phẩm kiến trúc độc đáo. Nhiều ngôi mộ xây hoành tráng hơn cả nhà ở. Thật đúng với quan niệm "Sống gửi, thác về" của bà con.




Sau một quãng đường dài, cuối cùng cũng đã tới đích - cầu Tam Giang




Câu chuyện về phá Tam Giang, xin hẹn kể sau nha ^^ Đi khò đây :)

những chuyến đi

Previous post Next post
Up