Ngân hàng thay đổi chiến lược thời hậu khủng hoảng - Tin kinh tế - Kinh doanh

Jul 09, 2010 05:01

Sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới, là thời điểm để các ngân hàng, hệ thống BHTG nhìn lại chiến lược phát triển mới. Nghiên cứu xu hướng chiến lược mới của các ngân hàng là chìa khóa quan trọng để các quốc gia xây dựng hệ thống giám sát tài chính đảm bảo sự phát triển hiệu quả và bền vững.

Việc thiết kế lại hệ thống bảo hiểm tiền gửi cũng là một xu thế để ứng phó với khủng hoảng tài chính ngân hàng.

Xu hướng mới của các ngân hàng

Sau khủng hoảng, những vấn đề được nhiều nhà quản trị, các nhà lập pháp quan tâm nhất là vấn đề về quản lý rủi ro, hiệu quả hoạt động và nâng cao hiểu biết về hoạt động ngân hàng. Đây cũng xuất phát từ bối cảnh thực tế là một trong những nguyên nhân gây ra đổ vỡ ngân hàng là khâu quản lý rủi ro. Trong 12 tháng tới, khác với những năm trước kia các ngân hàng tập trung vào phát triển thị trường, triển khai các sản phẩm mới, sử dụng hiệu quả công nghệ, xu hướng năm nay tập trung vào một số vấn đề liên quan tới quản lý chi phí, quản lý rủi ro.




Nguồn: Financial Insights Asia/Pacific Executive Survey, 2009: Recovery in the Horizon, Journal of Banking and Finance, Vol.XXIV No 1, 2009

Quản lý rủi ro vượt qua hiệu quả hoạt động để trở thành yêu cầu cấp thiết nhất trong năm 2009 đối với các ngân hàng. Do khủng hoảng toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến đến các nước châu Á, nên các tổ chức tài chính đã tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng việc kiểm soát các khoản cho vay kém hiệu quả và tuân thủ các quy định mới của các cơ quan quản lý về các vấn đề liên quan đến rủi ro. Các ngân hàng chủ động khởi xướng và triển khai các biện pháp quản lý rủi ro theo những định hướng của mình, chứ không chỉ theo thường lệ là quản lý rủi ro theo kiểu tuân thủ các quy định.

Bên cạnh đó, phương pháp quản lý tài sản nợ có được triển khai để đánh giá chính xác hơn tài sản do các tổ chức tín dụng nắm giữ nhằm ngăn chặn lặp lại thất bại trong việc chứng khoán hóa các khoản nợ dưới chuẩn như các nước phương Tây đã gặp. Ngân hàng Trung ương của các nước như Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã đưa ra những hướng dẫn để các ngân hàng tuân theo các nguyên tắc quan trọng nhằm đẩy mạnh việc quản lý tài sản nợ có một cách chặt chẽ hơn.

Nguồn tài lực giành cho việc hạn chế rủi ro hoạt động cũng là một phần cốt lõi của những yêu cầu cấp thiết được đặt ra đối với những ngân hàng đang tìm cách giảm thiểu những vấn đề về gian lận nội bộ, gian lận từ internet và dò rỉ thông tin. Nguồn tài lực giành cho quản lý danh mục đầu tư và kế hoạch phục hồi cũng được đặt ra nhằm giải quyết những khoản nợ xấu được cho là đang gia tăng do tác động từ khủng hoảng.

Hiệu quả hoạt động vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các tổ chức tín dụng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2009 như những năm trước đây. Yêu cầu này liên quan đến một số vấn đề như quản lý chi phí hoạt động, giảm bớt các thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý giao dịch.

Việc củng cố tích hợp các giải pháp công nghệ theo một nền tảng chung là yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả trong hoạt động. Tuy nhiên, việc thực hiện theo đúng lộ trình trong phạm vi toàn tổ chức là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn về cả công nghệ lẫn đội ngũ nhân viên trong một tổ chức tín dụng. Những dự án này đang được triển khai ở nhiều ngân hàng trong khu vực và đã dần dần đem lại lợi ích, nhất là với những tổ chức tín dụng đa quốc gia.

Quản lý hiệu quả liên quan tới duy trì và quản lý các quan hệ khách hàng cũng như đánh giá mức độ thỏa mãn và độ trung thành của khách hàng. Yêu cầu về hiệu quả hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến sự thấu hiểu khách hàng của tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng không chỉ muốn giữ khách trong giai đoạn kinh tế khó khăn này mà còn muốn mở rộng cung cấp sản phẩm và dịch vụ đối với khách hàng hiện tại. Các chiến dịch quảng bá có định hướng bằng cách đổi mới cách thức giao tiếp với khách hàng vẫn được các ngân hàng coi trọng , với mục tiêu cung cấp các sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách hàng cụ thể, thậm chí với từng khách hàng. Giữ khách hàng là một tiêu chí quan trọng, các ngân hàng cần xác định và tập trung vào đối tượng khách hàng trung thành và mang lại lợi nhuận cao nhất nhằm đảm bảo rằng những “khách hàng đặc biệt” này luôn được chăm sóc chu đáo.

Bên cạnh việc xây dựng và duy trì quan hệ với khách hành, các tổ chức tín dụng tại châu Á cũng đang tìm kiếm nhằm triển khai các giải pháp sáng tạo như “mobile banking” nhằm hướng vào những đối tượng sử dụng và và các chức năng cụ thể. Việc mở rộng các chi nhánh và lắp đặt thêm máy ATM vẫn tiếp diễn, nhưng các ngân hàng cũng tìm cách nắm bắt để đáp ứng những nhu cầu cao thông qua các kênh mới.

Trong 12 tháng tới, các ngân hàng tập trung vào ba dự án trọng điểm liên quan đến hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro, nâng cấp cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Đây cũng xuất phát từ thực tế là nguyên nhân gây ra khủng hoảng ngân hàng là do hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro kém.

Sơ đồ 2: Những dự án cần triển khai trong vòng 12 tháng.




Nguồn: Financial Insights Asia/Pacific Executive Survey, 2009: Recovery in the Horizon, Journal of Banking and Finance, Vol.XXIV No 1, 2009

Các dự án nâng cao hiệu quả hoạt động bao gồm cơ cấu lại các quy trình nghiệp vụ, thay đổi các bước cụ thể trong quy trình (ví dụ như xác minh khoản vay) luôn được đòi hỏi phải “khẩn trương” do yêu cầu cắt giảm những thủ tục rờm rà, không cần thiết. Thậm chí có một số phòng ban trong tổ chức tín dụng cũng được cắt giảm, tính hiệu quả sẽ tăng lên thông qua việc thay thế các thủ tục không cần thiết bằng các quy trình hiệu quả hơn. Các dự án quản lý rủi ro cùng với việc nâng cấp hạ tầng công nghệ đang được tiến hành rộng khắp.

Như vậy, chúng ta có thể thấy quản lý rủi ro là một trong những xu hướng mà các quốc gia châu Á đặt lên hàng đầu trong việc quản lý hệ thống ngân hàng với nhiều biện pháp khác nhau. Về phía nhà nước, các quốc gia đang nỗ lực rà soát, củng cố và đổi mới hoạt động của ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát và tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trong thực tế xử lý khủng hoảng, nhiều quốc gia châu Á sử dụng tốt công cụ BHTG để vượt qua khủng hoảng.

Xu hướng thiết kế chính sách BHTG

Xu hướng các ngân hàng châu Á là đảm bảo an toàn trong hoạt động, chính vì vậy xu hướng thiết kế chính sách BHTG ở các nước hướng tới tạo sự an toàn cho hệ thống tài chính, ngân hàng. Theo đó, các quốc gia châu Á đã có sự điều chỉnh chính sách bảo hiểm tiền gửi tạo hàng lang pháp lý để xây dựng niềm tin công chúng đối với hệ thống ngân hàng. Hàng loạt các quốc gia đã nâng hạn mức chi trả thậm chí có quốc gia đảm bảo 100% cho các khoản tiền gửi. Không chỉ ở châu Á mà hàng loạt các nước châu Âu cũng thực hiện điều chỉnh chính sách BHTG nhằm đối phó với những rủi ro tài chính, bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo an sinh xã hội.

Xu hướng mới còn được đưa ra khi có quốc gia xác định hệ thống bảo hiểm tiền gửi không chỉ có vai trò trong việc bảo vệ người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng mà còn góp phần bình ổn hệ thống tài chính ngân hàng. Ví dụ như Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc, với những chức năng chính như quản lý Quỹ, giám sát rủi ro, xử lý các tổ chức tín dụng bị đổ vỡ, thu hồi nợ, điều tra, tổ chức này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý khủng hoảng tài chính, mang lại lợi ích cho quốc gia thông qua việc giảm thiểu chi phí cho ngân sách nhà nước trong việc xử lý đổ vỡ, khôi phục và duy trì sự ổn định đối với hệ thống ngân hàng. Chiến lược và xu hướng lâu dài là nâng cao vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc như một tổ chức BHTG hợp nhất điển hình.

Phạm vi bảo hiểm của Bảo hiểm tiền gửi hàn Quốc đa dạng bao gồm tiền gửi, tiền thu từ các nhà đầu tư mua bán chứng khoán, phí bảo hiểm được các chủ hợp đồng bảo hiểm riêng lẻ chi trả. Xác định mục tiêu rõ ràng là bình ổn thị trường tài chính, Bảo hiểm tiền gửi hàn Quốc có mục tiêu cụ thể là hệ thống bảo hiểm tiền gửi cần có sáng kiến vượt qua thách thức do sự bất ổn định, dễ bị tổn thương và yếu kém của hệ thống tài chính gây ra.

Xu hướng hiện nay là nhiều quốc gia có kế hoạch xây dựng hệ thống BHTG hợp nhất bằng việc đưa ngành bảo hiểm vào diện được bảo vệ, mở rộng chức năng xử lý đổ vỡ bao gồm cả đổ vỡ của các tổ chức tài chính phi ngân hàng có tính rủi ro hệ thống.

Như vậy, việc nghiên cứu xu hướng các ngân hàng, chính sách BHTG châu Á có ý nghĩa tham khảo quan trọng đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang củng cố, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp lý, chính sách về hoạt động ngân hàng và chính sách bảo hiểm tiền gửi. Quá trình này đang được các quốc gia triển khai tích cực sau khi rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm vừa qua.

Th.s Bảo Khánh-Th.s Thúy Sen
(theo vietnamnet)

(Source: Tin180 - Ngân hàng thay đổi chiến lược thời hậu khủng hoảng - Tin kinh tế - Kinh doanh )


Tin nổi bật

  • Âm nhạc: Hiền Thục: 'Hai chữ Tuấn Thăng đã mất hẳn trong trí nhớ của t...

  • Âm nhạc: SNSD được tìm kiếm nhiều nhất Hàn Quốc - Nghệ thuật - Tin nổi...

  • Giải trí: Các 'sao' mù tịt về điện thoại, máy tính và Internet - Thế g...

  • Gia đình: Học phí mầm non - gánh nặng của phụ huynh Trung Quốc - Đời s...

  • Tin tức - Bình luận: NTDTV công bố Cuộc thi múa cổ điển Trung Quốc lần...

  • Âm nhạc: Ca sĩ Thanh Lam: Càng ở trên cao gió càng mạnh - Nghệ thuật -...

  • tin180, văn hóa, Tin tức, tin tức lành mạnh, nghệ thuật, sức khỏe, tintuconline, truyền thống, đời sống

    Previous post Next post
    Up