Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản trong thế kỉ XVII
Kì I : Sự khởi đầu
Trong thế kỉ XXI, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng khẳng định tầm quan trọng của mình. Nhật Bản là một trong những quốc gia có vốn đầu tư cao nhất vào Việt Nam. Không những thế, nền văn hóa của Nhật Bản cũng được nhiều người Việt hâm mộ. Món ăn Việt Nam và tà áo dài thướt tha đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân của xứ sở mặt trời mọc. Nhiều người vẫn nghĩ rằng Nhật Bản và Việt Nam không hề có bất cứ giao tiếp nào với nhau trong thời kì phong kiến vì lí do địa lí, do bị ngăn cách bởi biển cà. Nhưng như những ai đã đến thăm phố cổ Hội An đã biết, người Nhật đã đến Việt Nam sinh sống và làm ăn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, tức là từ những năm đầu của thế kỉ XVII.
Theo như bộ sử Đại Nam Thực Lục Tiền Biên ghi chép lịch sử Việt Nam từ đời chúa Nguyễn Hoàng đến đời vua Khải Định, thì cuộc chạm chán đầu tiên giữa người Việt và người Nhật xảy ra vào năm 1585 khi Shirahama Kenki - một tên cướp biển người Nhật- mang năm chiếc thuyền lớn đến Cửa Việt và cướp bóc cửa cải của người dân nơi đây. Khi nghe tin, người con thứ sáu của chúa Nguyễn Hoàng, tức Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên sau này, liền chỉ huy mười chiếc chiến thuyền và đánh chìm hai chiếc thuyền của Kenki khiến hắn phải bỏ chạy. Tuy nhiên duyên nợ của Kenki với Đàng Trong không dừng lại ở đó khi 16 năm sau, Kenki bị bắt ở cửa biển Thuận An. Lợi dụng việc có được một tù binh người Nhật ở trong tay, chúa Nguyễn Hoàng đã gửi thư cho Shogun Ieyasu đề nghị thiết lập một mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Trong bức quốc thư đầu tiên đó, chúa Nguyễn Hoàng đã khéo léo dung lời lẽ để gây thiện cảm với Ieyasu khi ông đề cập đến việc một vị quan ở Thuận Hóa bị Kenki giết khi vị quan đó đang cố bắt giam tên cướp biển. Tuy phẫn nộ vì cái chết của người đồng hương và có nhiều tướng sĩ muốn Kenki bị xử tử, nhưng Kenki vẫn giữ được tính mạng của mình khi chúa Nguyễn Hoàng trở về từ miền Bắc vào năm 1600, khi ông trở về từ Đàng Ngoài sau khi đã giúp chúa Trịnh đánh dẹp họ Mạc.
Việc không xử tử Kenki đã khiền triều đình Mạc phủ Tokugawa ca ngợi lối hành xử của Nguyễn Hoàng, và trong bức thư trả lời triều đình Đàng Trong, Ieyasu đã thông báo rằng trong tương lai, chỉ có những thương nhân nào được phong châu ấn như hình dạng của ấn trong bức thứ mới đươc coi là những thương nhân chân chính được phép buôn bán với Đàng Trong. Vì lí do như vậy, nên những con tàu buôn của Nhật Bản thời đó được gọi là châu ấn thuyền.
Chưa bằng lòng với tầm quan hệ giữa Đàng Trong và Nhật Bản, chúa Nguyễn Hoàng tiếp tục gửi thư cho triều đình Mạc Phủ và tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho thương nhân Nhật Bản đến làm ăn tại Đàng Trong. Theo như sách Tsuko Ichiran, trang 483, vào năm 1602 có 1 chiếc thuyền lớn màu đen từ Đàng Trong cập cảng Nagasaki. Trên thuyền có 1200 người, và họ mang theo vô số món quà quí hiếm để tặng cho Tokugawa Ieyasu. Trong số những món quà ấy có cả 1 con mãnh hổ, 1 con voi và 2 con công( Li 61).Những nỗ lực của chúa Nguyễn Hoàng được đáp trả khi Đàng Trong trở thành nơi làm ăn buôn bán quan trọng nhất đối với Nhật Bản trong thế kỉ XVII. Theo Iwao Seiichi, tác giả của Shuin-sen Boeki-shi no Kenkyuu, thì từ năm 1605 đến 1635 có 70 chiếc thuyền châu ấn cập bến cửa biển Hội An trong tổng số 278 thuyền của Nhật Bản đi buôn bán khắp Châu Á(Li 62). Cũng nên lưu ý là ngoài 70 chiếc thuyền đến Đàng Trong, còn có 36 chiếc đến Đàng Ngoài và 14 chiếc cập bến ở tỉnh Hưng Nguyên (thuộc tỉnh Nghệ An). Những con số ở trên khẳng định tầm qua trọng của Đàng Trong nói chung và Hội An nói riêng trong mạng lưới thương mại của người Nhật vào thế kỉ thứ XVII.