Jul 04, 2008 00:16
Phân loại dự án FDI: “Thực chất” con số
02/07/2008 16:15 (GMT+7)
Con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được Bộ KH-ĐT công bố mới đây thoạt nhìn có vẻ đẹp nhưng để có được con số “thực chất” còn nhiều việc phải làm.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008 cả nước đã có 31,6 tỷ USD FDI được đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tăng gấp rưỡi so với cả năm 2007. Con số này tuy có đẹp nhưng chưa ấn tượng, bởi đây mới chỉ là vốn đăng ký, tức là doanh nghiệp mới chỉ lập dự án, còn thực hiện đến đâu lại vẫn nằm ở quyền của doanh nghiệp đó. Có người đã ví, trước khi ra chợ nhà buôn ngồi ở nhà dự trù một loạt danh mục chi tiêu nhưng khi đứng trước một mặt hàng lại phải cân nhắc giá cả, trọng lượng món hàng cần mua... Một doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài cũng vậy, chẳng qua chỉ khác nhau giữa một cái chợ nhỏ và một thị trường lớn hơn.
Lâu nay Chính phủ đã phải mất rất nhiều công sức, thậm chí cả tiền của để xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, nhưng các địa phương nếu không có những hành động sát sườn với doanh nghiệp như: cải cách thủ tục hành chính, đền bù, giải phóng mặt bằng, điện, giao thông, viễn thông... như cam kết ban đầu khi kêu gọi đầu tư vào địa phương thì số lượng giải ngân trên số vốn đăng ký cũng không được bao nhiêu. Năm 2007 có 21,3 tỷ USD FDI được đăng ký, nhưng thực chất mới chỉ giải ngân được khoảng 8 tỷ USD, trong đó phần vốn góp từ các doanh nghiệp Việt Nam đã lên đến 6 tỷ USD. Bộ KH-ĐT đặt mục tiêu năm 2008 sẽ cố gắng giải ngân vốn đầu tư của nước ngoài khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương với hơn 50% số vốn FDI đã đăng ký của năm 2007. Để rút ngắn khoảng cách giữa vốn đăng ký với số vốn được giải ngân Bộ KH-ĐT vừa trình Chính phủ Đề án thúc đẩy giải ngân vốn FDI. Theo đó, các tỉnh thành phải kiểm tra lại toàn bộ các dự án của mình, rồi phân ra bốn loại dự án cơ bản: dự án đang triển khai - có khả năng phát triển, dự án mới nhận giấy phép đang làm thủ tục triển khai, dự án đã được cấp phép nhưng đang bị vướng mắc trong quá trình thực hiện, dự án đã có giấy phép đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện được. Thực chất đây là động thái từ Bộ KH-ĐT đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân theo đúng tiến độ, vấn đề còn lại là nhà đầu tư có thực hiện đúng với cam kết khi họ đăng ký vốn đầu tư hay không. Một chuyên gia kinh tế cho biết: "Trong tình hình giá cả leo thang hiện nay để đạt được tiến độ giải ngân các doanh nghiệp có vốn FDI nên hạch toán dự án cho sát với thị trường, tiết kiệm tối đa, nếu thấy những hạng mục đầu tư quá lớn nên đề nghị với địa phương được thực hiện sau, những hạng mục có chi phí thấp tuy là của giai đoạn sau mới làm nên thực hiện trước thay cho những hạng mục đầu tư lớn đang phải dừng lại".
Việc giải ngân nhanh vốn FDI còn là một biện pháp không nhỏ trong việc kiềm chế lạm phát trong giai đoạn hiện nay của nền kinh tế Việt Nam. Theo các chuyên gia tài chính, lúc này Việt Nam cần phải tạo niềm tin để các doanh nghiệp hiểu được khó khăn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chỉ là nhất thời trong quá trình phát triển, và số vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là một minh chứng.
Cuộc khảo sát thực hiện trong 140 doanh nghiệp FDI về nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân vốn FDI: 20% doanh nghiệp cho rằng do phía Việt Nam thay đổi chính sách, 17% cho là khó khăn về giải quyết thủ tục đầu tư, 15% cho là do những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn ở nước ngoài, 10% cho là do môi trường đầu tư không thuận lợi như doanh nghiệp dự đoán...
(DDDN)